Buổi Chiều Cuối Năm (trong Dưỡng Lão Đường)

Truyện của Phương Lan

Vớt xong chiếc bánh chưng cuối cùng, bà Sang thở ra nhẹ nhàng sung sướng, thế là mọi công việc chuẩn bị đã xong, giờ chỉ còn chờ đợi để đón xuân. Tết năm nay là một cái Tết đặc biệt, các con cháu của bà từ hai tiểu bang khác đều về tụ tập ở đây cả, nên bà muốn tổ chức ăn một cái Tết thật lớn với đầy đủ mọi thủ tục, lễ nghi, đủ các món ăn cổ truyền như hồi còn ở quê nhà. Bà chưng dọn nhà cửa đẹp đẽ, bày bàn thờ cúng trang nghiêm với lư trầm, chân nến, bát nhang, tất cả đều là đồ đồng được đánh sáng bóng, bài vị của tổ tiên và ảnh của ông được bà lau chùi cẩn thận và lộng kiếng mới, mâm ngũ quả và hai bình bông tươi đã được bày biện sẵn sàng, chỉ chờ các con cháu về là bày cỗ cúng...

Đặc biệt hơn cả, năm nay bà gói lấy bánh chưng chứ không mua như mọi năm, chả mấy khi các con cháu về đầy đủ, bà muốn tạo một không khí đặc biệt ngày Tết để chúng nó hiểu sơ qua về phong tục, tập quán Việt Nam. Mấy hôm trước, bà sai Trung mua về một cành đào và mấy chậu cúc, thược dược và hai chậu quất nặng chĩu những trái, những trái này ra giêng bà sẽ hái để làm mứt, mứt quất bà làm ngon tuyệt. Các món bánh mứt, dưa hành, củ kiệu, măng nấm, cá thu kho riềng, giò thủ, thịt đông v..v.. đều đã chuẩn bị xong xuôi, bây giờ chỉ còn nồi bánh chưng, bà gói tới mười mấy chiếc nên phải nấu ở sau hè mới có chỗ. Bánh đã vớt hết rồi, bà nhấc cái nồi để qua một bên, đổ nước vào bếp, dập tắt củi lửa rồi mới khoan khoái dúng ngắm công trình của mình, những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp đẽ xếp thành từng hàng để trên mặt bàn đang bốc hơi nghi ngút, lá dong sau khi luộc vẫn giữ nguyên màu xanh tươi tắn chứ không biến thành màu nâu như lá chuối. Ở Mỹ, lá dong đến là hiếm, phải nhờ người quen mách chỗ mới thửa được một mớ, bánh chưng gói bằng lá dong bao giờ cũng ngon hơn lá chuối, bà đưa tay nắn thử mấy cái và mỉm một nụ cuời hài lòng:

- Bánh gói chắc tay, lại nấu tới gần tám tiếng, cam đoan là rền và ngon phải biết!

Bỗng có tiếng chuông cửa reo, biết là giờ này là giờ các cháu đi học về nên bà vội vã rửa tay rồi ra mở cổng, một bọn bốn đứa trẻ chạy ùa vào sân, chúng ôm lấy bà, mỗi đứa nói một câu om xòm như cái chợ:

- Bà nội, bà nội…

 - Thưa nội cháu đi học về!

 - Nội ơi! bánh chín chưa nội?

 - Bà nội! bánh chưng nhỏ của cháu đâu?

Chúng chạy lăng xăng quanh bà, một đứa ôm chân làm bà vướng víu, nhẹ nhàng cúi xuống gỡ nó ra, bà xoa đầu đứa này, nựng má đứa kia, vuốt ve hôn hít từng đứa một rồi mới dịu dàng nói:

- Bà không quên đâu, vào nhà rửa tay đi đã rồi ra đây bà cho!

Phát bánh cho các cháu xong, nhìn chúng nó tranh nhau ríu rít, bà thấy vui vui trong lòng, bắt chợt đứa cháu trai một mình dành tới hai cái, bà bật cười một mình, lẩm bẩm một cách âu yếm:

 - Cái thằng đến là tham ăn, giống y hết bố nó lúc còn nhỏ!

Đứa em nó không có phần, chạy tới giựt không được, khóc thét lên rồi lăn ra đất ăn vạ.

- Sơn! đưa trả cho em không bị đòn bây giờ.

Mẹ chúng vừa khóa xong cửa xe, từ bên ngoài bước vào la con xong quay sang cười với mẹ chồng:

- Cái thằng hư quá, lớn rồi mà không biết nhường em.

- Con nít mà, thôi đừng mắng nó. Bà cũng cười và quay qua lũ nhỏ, bánh còn nhiều lắm, các cháu cứ từ từ ăn, đừng tranh nhau.

- Chắc mẹ mệt rồi, mẹ đi nghỉ đi để con nấu cơm cho. Đứa con dâu nói.

- Không sao cả, mẹ vui nên không cảm thấy mệt, hôm nay con đón các cháu hơi trễ thì phải?

- Tại kẹt xe mẹ ạ, con lo quá, cứ sợ chúng nó chạy loăng quăng ra đuờng.

- Dặn chúng nó mẹ có đến trễ thì cứ chờ ở bên trong cổng trường. Bà gật gù nói tiếp, có phải kẹt xe là vì chiều cuối năm không con?

- Không, mẹ à! Đứa con dâu cười, kẹt xe là vì một tai nạn nhỏ chứ không phải vì chiều cuối năm,Tết là tết của mình thôi, người Mỹ họ đâu có tham dự.

- Ờ nhỉ, mẹ quên. Bà cũng cười, cứ tưởng như hồi còn ở bên nhà, giờ này xe cộ đông lắm, người ta vội về nhà để còn lo làm cỗ cúng giao thừa.

- Nhà con ra phi trường đón gia đình chú Ba và cô Út phải không mẹ?

- Ừ, đi từ trưa đến giờ, chắc cũng sắp về.

- Năm nay nhà mình vui lắm, đã lâu rồi chưa gặp, không biết dạo này mấy đứa nhỏ thay đổi ra sao?

- Ừ, trẻ con lớn mau như thổi, mỗi năm trông mỗi khác. À này! con đã thu xếp chỗ ở cho hai gia đình về ăn Tết chưa?

- Rồi, mẹ ạ! Nhà con nói mấy đứa nhỏ sẽ ở chung phòng với vợ chồng con, nhường hai phòng ngủ cho gia đình chú Ba và cô Út.

- Được vậy thì tốt lắm, chịu khó ở chật lại một tị cho vui cửa vui nhà, chả mấy khi có dịp anh em, mẹ con, bà cháu lại gặp nhau, chúng nó chỉ ở chơi có một tuần rồi lại phải về để đi làm. Trung có xin nghỉ phép được không con?

- Có mẹ ạ, nhà con được nghỉ tới mười ngày, còn con cũng xin nghỉ một tuần, bắt đầu từ ngày mai.

- Thế trẻ con có được nghỉ không?

- Thật ra thì trường học không có nghỉ, nhưng con dã xin với cô giáo cho các cháu nghỉ ba ngày vì là ngày Tết, cũng may họ thông cảm. Hai ngày sau đó là thứ bảy và chủ nhật, tổng cộng cũng được năm ngày.

- Vậy cũng được rồi.

Tới đây thì có tiếng xe ngừng ngay trước cửa nhà, bà nhìn ra, đúng là xe của Trung. Tim bà đập rộn lên vừa hồi hộp vừa sung sướng khi nhìn thấy mọi người từ trên xe van bước xuống. Bà đếm đủ cả : hai con, một dâu, một rể, ba dứa cháu nội, ngoại với Trung nữa là tám, mỉm cười vui vẻ, bà hấp tấp chạy ra mở cổng…

Bỗng xoảng một cái, tiếng một đồ vật nặng bằng kim khí rơi xuống đất khiến bà giật mình mở choàng mắt, tỉnh hẳn ngủ. Thì ra vừa rồi chỉ là một giấc mơ, tiếng người khán hộ đưa bà về thực tại:

- Xin lỗi đã làm cụ giật mình.

Nụ cười chưa tắt hẳn trên môi, bà nhìn cô khán hộ đang cúi xuống lượm cái khay nhôm vừa đánh rơi với cặp mắt khó chịu, phải chi cô ta đừng vô ý như thế thì giấc mơ tuyệt vời của bà còn kéo dài thêm một lúc lâu nữa. Bây giờ thì bà sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy nữa cảnh các các cháu xúm xít quanh bà, cảnh dâu, con hiếu thảo với bà, những cảnh chỉ có trong mơ… Tiếc quá, lẽ ra cô ta không nên vô đây làm rộn trong lúc bà đang nằm ngủ, bây giờ thì hỏng cả rồi, tất cả khung cảnh gia đình đầm ấm đều đã tan biến hết…

- Cụ ơi! sao chẳng chịu ăn uống gì cả? Cụ bỏ cơm bữa nay là bữa thứ ba rồi đó, phải cố mà ăn thì mới khoẻ đuợc chứ. Hay cụ chê đồ ăn không ngon? nếu vậy, cụ ráng uống ly sữa hay ăn một tí súp nóng cho lại sức nhé?

- Tôi không muốn ăn, chỉ muốn ngủ.

Nói xong, bà quay mặt vào tường, nhắm mắt lại, cố mơ tiếp giấc mơ hồi nãy, nhưng không thể đuợc, bà thở dài lắng nghe cuộc đối thoại giữa ngưới khán hộ và bà cụ nằm ở giường kế bên:

- Cô ơi! hôm nay thứ mấy rồi? Ở trong này tôi chẳng còn nhớ ngày tháng gì cả.

- Thứ ba cụ ạ, hôm nay là 30 Tết đấy!

- Thì ra đã quá ngày các con tôi vào thăm tôi rồi ư? chắc chúng nó bận rồi lại quên mất. Tôi buồn quá, con cái đều là đồ bất hiếu, coi cha mẹ già như đống giẻ rách, đem bỏ vào nhà dưỡng lão, chẳng thèm ngó ngàng gì tới nữa…

- Thôi cụ ơi! đừng than lắm thế, các ông bà ấy bận không săn sóc cụ được thì giao cho chúng tôi. Dễ gì được vào ở đây? tốn kém lắm chứ bộ thí sao? ở đây có kẻ hầu người hạ, cơm bưng nước rót đưa tới tận miệng, sướng thế còn than nỗi gì?

- Cô không biết nỗi đau tinh thần của chúng tôi, chúng tôi nhớ con, nhớ cháu, chúng tôi thèm một không khí gia đình ấm cúng. Những đòi hòi đó có gì quá đáng đâu? những người già chẳng mong gì hơn là được sống với con cháu.

- Nhưng cụ già yếu rồi, ai sẽ săn sóc cụ?

- Chúng nó phải săn sóc tôi chứ! Thế khi xưa ai đã săn sóc chúng nó khi còn nhỏ? đâu phải đẻ ra thổi phù một cái là thành người lớn? Được nên vai nên vóc như ngày nay là nhờ công ơn của cha mẹ, tôi đã vất vả vì chúng cho đến khi chúng khôn lớn. Một mẹ nuôi năm con thì được, năm con lại không nuôi nổi một mẹ à? Đồ bất hiếu! chúng nó không nghĩ đến công lao của tôi đã nuôi dưỡng chúng nên người. Ai cũng bảo tôi có phước, năm đứa con thì hai đứa là bác sĩ, một đứa là dược sĩ, một đứa là luật sư, còn đứa kia mở ba, bốn tiệm ăn. Đứa nào cũng nhà cao cửa rộng, đứa nào cũng giàu có nhưng coi mẹ không bằng con chó nhà chúng nó. Con chó đau ốm thì chúng nó thương sót, vuốt ve, an ủi và đưa đi bác sĩ, mẹ già đau ốm, chúng quăng vào viện dưỡng lão, phủi tay cho rằng xong bổn phận.

- Chắc các con cụ nghĩ rằng cụ không đem đến cho họ những phút vui tươi thoải mái như với con chó.

- Tôi đâu có biết làm trò như con chó để làm cho các ông bà ấy vui? Chắc vì thế nên họ quý chó hơn mẹ.

Người khán hộ phì cười:

- Cụ ví thế sao được, người là người mà chó là chó chứ? Chó già, người ta put to sleep…

- Còn tôi, nếu chúng nó “put” được tôi “to sleep” mà không bị tội thì chúng đã làm rồi, chẳng qua chúng nó sợ ở tù. Cha tiên nhân bố cái lũ vô ơn, đồ ăn cháo đá bát!

Cô khán hộ nhăn mặt, ngập ngừng một lúc rồi mới lấy giọng nhẹ nhàng khuyên nhủ:

- Chỗ đồng hương cháu nói thật, cụ chửi bới vừa thôi, coi chừng người ta nói cụ mắc bệnh tâm thần, đưa vào nhà thương điên thì lại khổ. Cụ không nhớ cách đây mới có vài tuần, “ông già gân” bị người ta chở đi nhà thương điên đó sao?

“Ông già gân” là biệt danh người ta đặt cho một ông già có cô vợ trẻ chỉ đáng tuổi con cháu, ông bị vợ đưa vào nhà dưỡng lão sau khi cuỗm hết nhà cửa, tiền bạc bỏ đi theo một anh chàng trẻ tuổi đồng trang lứa. Phút chốc bỗng mất hết, trở thành trắng tay, ông vừa tiếc của vừa căm giận người vợ bội bạc, người vợ mà ông đã từng mê say, và đã tốn công, tốn của về tận Việt nam để cưới và đem qua Mỹ, sau mới có ba năm đã trở mặt, ông đập phá đồ đạc và luôn miệng chửi bới suốt ngày. Một lần ông lẻn về nhà bóp cổ cô vợ trẻ đến gần tắc thở, may không chết, nhưng sau vụ dó người ta chuyển ông đi bệnh viện tâm thần, ở luôn trong đó cho đến mãn đời. Bà Tám rùng mình, chết bà không sợ, nhưng phải ở chung với những người điên thì bà sợ lắm, bà có vẻ hơi chùn, nhưng còn cố chống chế:

- Người ta giết người thì mới sợ tội, còn tôi… Mà ai dám bảo là tôi điên? cô hả? đi mà báo cáo, tôi thách cả nhà nhà cô đấy!

- Cháu đâu dám, sợ là sợ các con cụ kìa. Gởi cha mẹ già vào viện dưỡng lão là chuyện rất thường ở bên Mỹ, có gì đâu mà bảo là bất hiếu?

- Chúng nó bắt chước Mỹ, nhưng Mỹ khác, mình khác chứ? Mỹ mười tám tuổi là bị cha mẹ tống ra khỏi nhà không nuôi nữa, nên cha mẹ già các con cũng để mặc cho tự lo lấy. Đàng này tôi nuôi chúng nó đến ngoài ba mươi tuổi, lại còn lo dựng vợ gả chồng…

- Nữa, cụ lại dở điệp khúc cũ ra rồi! Cô khán hộ ngắt lời, thôi cụ ơi cháu không có thì giờ nghe cụ kể đâu, cụ đã kể lể nhiều quá rồi nghe đến chán cả tai. Các cụ có khổ cách mấy cũng còn đỡ hơn bọn cháu phải làm mửa mật mới có miếng ăn, cực hơn thân trâu bò.

- Mấy người có tuổi trẻ là sướng rồi mà không biết đấy, cực cách mấy cũng còn sướng lũ người già chúng tôi ở đây, sống chỉ để đợi chết, những chuỗi ngày còn lại sao mà vô vị…

- Cụ nào cũng than như thế, nhàm quá! Các cụ không chịu hiểu rằng sống lâu rồi thì phải chết chứ? có ai mà sống đời? Khổ nỗi trước khi chết, các cụ hành chúng tôi thê thảm, cụ tưởng rằng việc săn sóc cho các cụ là sướng lắm hả?

- Tôi có bảo là sướng đâu? tôi chỉ muốn kể tâm sự của tôi, cô không muốn nghe thì thôi, việc gì mà phải lắm lời? Không có bọn tôi, mấy người tìm đâu ra việc làm? lại không đói nhăn răng ra à? Đừng có mà làm bộ!

- Thôi được, chịu thua cụ. Cô ta cười không có vẻ gì giận cả, đúng vậy, chẳng thà cực như trâu mà có miếng ăn còn hơn là nằm nhà chết đói. Bây giờ không nói chuyện đó nữa, qua chuyện khác cụ nhé? cụ uống hai viên thuốc này đi rồi có muốn ăn gì thêm thì nói đi trước khi cháu ra khỏi đây.

- Tôi không muốn ăn gì cả, thức ăn như chó mửa, nuốt sao vô mà cứ ép người ta ăn hoài? Tôi chỉ muốn nhờ cô thay dùm cái khăn trải giường, tôi lỡ đánh đổ cái bô nước tiểu, khai quá…

- Khăn giường thứ sáu mới thay, mỗi tuần chỉ thay một lần. Ở đây cái gì cũng phải làm theo thời khóa biểu, người đâu có đủ để có thể làm tất cả mọi việc các cụ sai bảo? Thôi cụ đi nghỉ đi, cháu phải qua phòng khác.

Người khán hộ ra khỏi phòng, bà Sang quay qua an ủi người bạn già:

- Thôi bà chịu khó lấy cái khăn tắm che lên chỗ dơ nằm đỡ, rôi xin cái khăn khác, khăn tắm chắc họ không nỡ từ chối.

- Chẳng còn cách nào hơn, chúng mình ở đây đâu có khác gì những con vật?

Bà Sang mỉm cười chua chát, những người ở đây đều là những người bị con cháu bỏ rơi, họ vào đây để mà chờ chết. Nhưng họ không chết ngay, có người sống lâu tới mức có đủ thời gian để những người chung quanh nhận ra những cá tánh đặc biệt của họ mà đặt cho một biệt danh, thí dụ biệt danh của bà Tám đây là “bà khó tính” cũng như bà có biệt danh là “người trầm lặng"

“Bà khó tính” và "người trầm lặng” sống chung trong một phòng đã sáu, bẩy năm qua nhưng chẳng bao giờ xảy ra chuyện xích mích nào cả, hoàn cảnh tương tự khiến họ cảm thấy gần gũi và thương nhau hơn. Bà Tám thích kể chuyện gia đình, bà Sang lắng nghe tâm sự của bạn để ngậm ngùi cho bạn cũng như cho chính mình.

Ở đây có một ông nhạc sĩ tên tuổi, nghe đâu hồi xưa là một giáo sư dạy nhạc, tăm tiếng một thời, năm nay ông đã tám mươi tuổi nhưng còn minh mẫn, và cũng trầm lặng, ít nói. Ông thường dậy sớm dạo đàn vào những buổi sáng tinh mơ lúc mọi người còn đang say ngủ, ông âm thầm ra ngồi đàn một mình, rõ ràng là ông dạo đàn không phải để mọi người nghe, mà để cho chính ông, như là một thói quen để nhớ lại quá khứ, cái quá khứ mà tiếng đàn đã gắn liền gần như suốt cả cuộc đời của ông. Viện dưỡng lão nào cũng có một cây đàn dương cầm, nhưng chẳng ai đụng đến, trừ ông nhạc sĩ nọ, ông không biết rằng ông có một thính giả trung thành là bà Sang. Từ khi khám phá ra sự có mặt của ông ở đây, bà không bỏ qua một buổi dạo đàn nào của ông cả. Sáng sớm tinh sương, bà len lén ra khỏi phòng, đến phòng sinh hoạt, đứng trong một xó tối lắng nghe vớ tất cả vẻ say mê, khi ông ngưng đàn, bà lại lặng lẽ ra khỏi phòng, về giường nằm lại. Những hôm ông nhạc sĩ mệt không dạo đàn được, bà nghe như thiếu thốn một cái gì, bà nhớ lại thời còn son trẻ, bà đã say mê âm nhạc, đã chịu khó học đàn và bà đàn cũng khá hay, nhưng bây giờ về già, bệnh đau khớp khiến bà không thể xử dụng được các ngón tay.

Ở đây cũng có một người nghệ sĩ cải lương nhưng đã qua đời năm ngoái, thọ bẩy mươi sáu tuổi. Ở đây cũng có một ông tướng, ông tướng hết thời, không còn binh lính dưới quyền. Nhớ thời vàng son, ông tướng ngồi trên xe lăn vẽ bản đồ hành quân, đo toạ độ, ghi chấm các điểm đóng quân, ông vẽ rồi lại xoá, xoá rồi lại vẽ, đôi khi cao hứng, ông đứng thẳng người lên hò hét như đang ra lệnh ngoài mặt trận.

Ở đây cũng có những ông bộ trưởng, những ông văn sĩ, giáo sư, các bà mệnh phụ, các bà buôn bán, các bà nội trợ… đủ mọi hạng người, đủ mọi tầng lớp xã hội, vào đây là cá mè một lứa, ai cũng như ai, sắp hàng chờ chết... Trước cái chết, mọi người đều bình dẳng như nhau, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo, chỉ phân biệt theo tình trạng sức khỏe, có người trông vẫn khỏe mạnh như người bình thường, có người đi phải chống gậy hoặc ngồi xe lăn, có kẻ nằm liệt trên giường, tiêu tiểu không kiểm soát được nên phải đeo tã như trẻ con, đa số đều tỉnh táo, vài người đã lú lẫn… Họ thương nhau lắm, coi nhau như những người trong gia đình, một người ra đi, những ngươi còn lại đều để tang và buồn rầu tự hỏi không biết bao giờ sẽ đến lượt mình? Tương lai chỉ là cái chết nên họ sợ không dám nghĩ đến, họ chỉ nhớ đến quá khứ. Ôi quá khứ! quá khứ nào mà chẳng đẹp? nhất là đối với những người già, những người già chỉ sống với quá khứ.

2

Bà Sang thở dài, biết rằng không thể ngủ lại được nữa, bà mệt nhọc ngồi dậy, chống tay vào thành giường đứng lên, cố gắng lê bước đến bên cửa sổ và ngồi xuống, nơi đây lúc nào cũng có sẵn hai cái ghế có tựa lưng, nhưng chỉ có một mình bà ngồi. Đây là nơi ưng ý nhất của bà, từ khi sức khỏe suy sụp, đi đứng run rẩy, bà ít khi ra ngoài, để giải khuây, bà hay ra ngồi bên cửa sổ, bà ngồi cả mấy tiếng, ngó xuống vườn hoa ở phía dưới và xa hơn nữa là vùng phụ cận có một con đường nhỏ xe cộ qua lại không đông lắm, hai bên đường là nhà cửa, cây cối. Tuy khung cửa nhỏ hẹp và tầm nhìn có giới hạn, nhưng được nhìn thế giới bên ngoài bà cũng thấy thoải mái hơn là cứ nằm hoài trên giường để chỉ nhìn có bốn bức tường, người bạn già đau yếu nằm kế bên và bóng dáng áo xanh của những người khán hộ đi qua đi lại.

Mấy năm trước, hồi mới nhập viện, bà chưa yếu lắm, vẫn đi lại nhanh nhẹn một mình, bà ra vườn hoa đi dạo, ra phòng đọc sách đọc báo, xem truyền hình, tham gia các sinh hoạt của viện và nói chuyện với những người bạn mới nên không cảm thấy buồn nản lắm. Nhưng mấy lúc gần đây, sức khoẻ suy kém, bà thấy mệt mỏi, ăn không ngon và xuống cân từ từ. Mỗi buổi chiều bà lại gây gây sốt, những cơn sốt nhẹ chỉ làm bà hơi váng vất khó chịu, người bà hâm hấp nóng và ướt rịn mồ hôi, bà uống đủ loại thuốc cảm nhưng không công hiệu, thuốc tây nóng hay sao mà mũi bà cứ bị chảy máu, chảy tí ti thôi nên bà không sợ, nhưng bà ngưng uống thuốc cảm rồi mà thỉnh thoảng máu vẫn chảy. Thôi mặc kệ, người già cũng như chiếc xe cũ không hư bộ phận này cũng hư bộ phận khác, bà chẳng thèm khai bệnh, để làm gì chứ? bà đâu có muốn sống lâu trong hoàn cảnh này. Ở đây chẳng ai cầu được sống lâu cả, họ chỉ cầu nguyện sao cho được chết một cách nhẹ nhàng êm ái, không đau đớn, đó là ước nguyện duy nhất của các cụ già ở đây. Vô phước cho ai phải sống dây dưa qua nhiều năm tháng lất lây trên giường bệnh. Mỗi khi có một người nằm xuống, những người còn lại ngậm ngùi thương tiếc nhưng mừng dùm cho bạn đã thoát khỏi kiếp đời đau khổ.

Bà Sang nghe trong người đang thay đổi, một cái thay đổi lạ lắm, người bà ốm teo, da bà xanh lướt, bà hay mệt nên thường nằm lơ mơ trên giường nhiều hơn là đi lại, những lúc tỉnh táo, bà hay ra ngồi bên cửa sổ. Buổi trưa hôm nay trời không có nắng, bầu trời màu xám u buồn, phía xa xa, đỉnh ngọn núi phủ đầy tuyết trắng xóa, bây giờ đang là mùa đông, những hàng cây maple hai bên đường đã rụng hết lá chỉ còn trơ cành khẳng khiu, cây đào trồng trong sân viện đơm đầy nụ, lác đác vài nụ đã hé nở.

Sắp Tết rồi, ở đây không có lịch ta nên chẳng ai nhớ ngày tháng, nhưng người ta vẫn cảm thấy qua thời tiết là mùa đông sắp tàn và mùa xuân đang quanh quẩn, rất gần…

Trong viện dưỡng lão, người ta cũng sửa soạn để đón xuân, một cành đào lớn được ban giám đốc viện cho chặt ở ngoài vườn dem vào cắm trong một cái lọ lục bình lớn chưng ngay giữa phòng sinh hoạt của viện. Bánh chưng, dưa hành, mứt kẹo của những người thăm viếng được bày cả ở trên một cái bàn lớn để mọi người cùng ăn chung, những bàn cờ tướng, bầu cua cá cọp, tam cúc, những cỗ bất v…v … tất cả đều sẵn sàng. Ông nhạc sĩ cũng tham gia bằng cách đàn cho mọi người nghe những bản nhạc xuân. Tiếng đàn khơi dậy một quá khứ tuơi đẹp những mùa xuân trên quê hương, tiếng đàn gợi bao nhiêu niềm nhớ, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ gia đình, nhớ tiếc tuổi thanh xuân… Thành ra tuy là nhạc vui nhưng người nghe đều nghẹn ngào, rưng rưng, ông nhạc sĩ tuy già nhưng tiếng đàn còn điêu luyện lắm, giáo sư âm nhạc quả cũng có khác. Cái lạnh se da làm mọi người cùng cảm thấy nao nao, chiều cuối năm có cái buồn đặc biệt của một năm sắp tàn, một cái buồn man mác. Nơi đất khách, những người tha hương không khỏi chạnh lòng nhớ tới quê nhà giờ này đang đì đùng tiếng pháo, đèn thắp sáng chưng, bàn thờ khói nhang nghi ngút, cả nước tưng bừng sửa soạn đón giao thừa. Ở đây sao tẻ lạnh quá chừng, buổi chiều cuối năm ở viện dưỡng lão lại càng thê lương hơn nữa, một chiều cuối năm không xum họp, con cháu không ở quanh mình, không bàn thờ, không người thân thích, ai ở trong viện dưỡng lão mới thấy thấm thía nỗi buồn cô quạnh. Lại một năm nữa sắp tàn, người ta tiến gần đến cái chết hơn một chút nữa, cái chết đang chờ đợi ở cuối đường, còn được bao nhiêu mùa xuân nữa? những mùa xuân không đợi nhưng vẫn cứ đến rồi đi như một qui luật của tạo hoá.

3

Bà Sang rơi lệ, ông mất đi vào một buổi chiều cuối đông nên mỗi lần Tết sắp đến, bà lại buồn ray rứt, nhớ khi xưa ông vẫn thường nói:

- Khi các con khôn lớn không cần đến cha mẹ nữa, bà với tôi sẽ về lại quê hương, chúng ta sẽ mua một căn nhà nhỏ có vườn cây ăn trái ở một vùng quê yên tĩnh để hưởng thú điền viên.

Hai ông bà xa quê đã mấy chục năm, dạo đó cả hai đều là sinh viên đi du học, họ gặp nhau, yêu nhau và kết thành vợ chồng, ba đứa con theo nhau ra đời: hai trai, một gái.

Thật ra ông bà còn có thêm một đứa con nữa, nhưng đứa bé gái xấu số đó đã bị chết ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ. Cái gia đình năm người ấy nổi trôi trên nước Mỹ, sau cùng họ chọn vùng California nắng ấm để làm nơi định cư. Sau bao nhiêu gian nan vất vả cố gắng nuôi con ăn học, hai ông bà vui mừng vì các con đều nên danh nên phận cả. Trung lập gia đình trước tiên, đám cưới xong, hai vợ chồng nó dọn nhà đi Loma Linda, một tỉnh nhỏ ở miền nam Cali nơi đó Trung làm bác sĩ trong một bệnh viện nổi tiếng thành công trong các vụ ghép các cơ quan như gan, thận, và thay van tim. Hai năm sau đến lượt Hiếu lấy vợ, hai vợ chồng cũng dọn ra riêng, lần này đi tận tiểu bang Colorado nơi Hiếu vừa xin được một chân kỹ sư hàng không. Sau chót là Anh Thư, đứa con gái út đi lấy chồng, chồng nó là người Mỹ làm trong một ngân hàng quốc tế. Thư khăn gói theo chồng đến New York là nơi có các trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, tiện cho công việc làm ăn của cả hai vợ chồng.

Thế là cái gia đình năm người ấy nay tứ tán mỗi người một phương, ít khi có dịp tụ họp đông đủ. Ông bà vẫn ở lại căn nhà nhỏ ở Santa Ana, không muốn làm gánh nặng cho đứa con nào cả, vả lại đây mới là lúc thực hiện “giấc mơ hồi hương” như chương trình ông bà vẫn dự tính. Thu xếp xong công việc, ông bà đăng bảng bán nhà để sửa soạn về quê. Trung bấy giờ đã có ba con, vợ lại đang có bầu đứa thứ tư, Trung gọi điện thoại ngỏ ý mời bố mẹ về ở chung để trông cháu cho hai vợ chồng nó đi làm.

- Thôi cũng được. Ông cười, nói với bà, không hưởng thú điền viên thì chúng ta vui với con, với cháu.

Bà vui vẻ đồng ý liền, được sống với con, với cháu cũng là niềm vui của các bậc cha mẹ khi tuổi đã xế chiều, ông bà không ngại tuổi tác đã cao, cố đem sức già ra để giúp cho con cháu. Mấy đứa cháu quấn quít, ông bà thấy rất vui, trẻ con dễ thương chi lạ, ông bà yêu cháu lắm, chúng nó đứa nào cũng giống bố, chỉ cần nhìn những đôi mắt nai tơ, chỉ cần nghe những lời thỏ thẻ ngây thơ của các cháu là bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến hết, trẻ thơ quả là thiên thần của hạnh phúc. Đến lượt vợ Hiếu sanh con trai đầu lòng, bà lại khăn gói di Colarado để tiếp tay với vợ chồng nó săn sóc thằng cu Tí.

- Con mẹ nó đến là khờ dại. Bà nói một cách âu yếm, ai lại mới sanh xong đã tắm nước lạnh, lại chẳng chịu kiêng cử gì cả cái gì cũng ăn bừa đi, mai mốt về già sinh bệnh mới khổ. Nói của đáng tội, có ai đâu mà chỉ bảo và cũng chẳng ai nấu nướng gì cho nó ăn cả, thật tội nghiệp!

Thế là bà lại lui cui nấu ăn cho con dâu, nấu nướng theo kiểu của bà mà bà tin rằng rất tốt cho người đẻ: gà ác tiềm thuốc bắc, cháo đậu xanh, chân giò hầm gạo nếp…

Sau cùng, cô gái út cấn thai, nó hôi cơm tanh cá, nuốt không nổi đồ ăn Mỹ nên người gầy võ vàng. Thương con, bà lặn lội đi New York để lo cơm nước cho nó, ông thì ở nhà lo cho đám con của Trung, đưa đón các cháu đi học. Bà ở với Thư chờ cho nó sanh xong mẹ tròn con vuông, cứng cáp rồi mới trở về với ông. Hai ông bà “nghỉ hè” được có vài tháng thì Trung lại điện thoại nói các cháu nhớ ông bà, thằng bé út mới có vài tháng cứ khóc hoài khiến vợ chồng nó không ăn ngủ gì được, thế là ông bà lại khăn gói lên đường. Ông bà như con thoi, hết ở với đứa này ít lâu lại đến đứa khác, nơi nào cần thì ông bà tới, giúp cho con cho cháu, ông bà chẳng bao giờ ngại tốn công sức cũng chẳng quản chi mệt nhọc.

Cuộc đời nếu cứ suôi chèo mát mái như thế thì đâu có gì đáng nói, đàng này đang yên vui thì trời bỗng giáng xuống một tai họa. Một buổi sáng mùa đông, trên xa lộ vắng, chiếc xe cũ ông đang lái bỗng bị văng mất một bánh xe, chiếc xe mất thăng bằng, lạng qua một bên. Hốt hoảng, ông vội vã đạp thắng và bẻ tay lái cho xe tấp vô lề nhưng không kịp, lỡ trớn ông băng qua hai, ba lane và đâm ngay vào cây cột đèn phía trước mặt, đầu xe thun lại, bẹp rúm và ông nằm gục ngay trên tay lái, người ta phải cắt mui xe mới lôi được ông ra. Mới thoạt đầu, trông ông không có vẻ gì là bị thương nặng cả, ngoại trừ mấy vết cắt nhỏ ở trên mặt do mảnh kiếng bể văng trúng, ông không bị thêm một vết thương nào nữa cả, cả người ông vẫn nguyên vẹn không bị bầm tím hoặc trầy sát chi hết, nhưng ông chết trong nhà thương một giờ sau đó vì bị nội thương trầm trọng. XRay cho thấy xương sọ của ông bị tách rời khỏi cột sống do sức va chạm quá mạnh. Ông ra đi không một lời từ biệt, cái chết của ông khiến bà bị khủng hoảng thần kinh một thời gian. Tang ma cho ông xong, bà ốm liệt giường hơn một tháng mới khỏi. Tuy hết bệnh, nhưng bà yếu đi nhiều, trông bà hom hem và già xọm hẳn đi. Mọi việc bắt đầu thay đổi từ đó, bà trở nên trầm lặng, ít nói, mặt mũi lúc nào cũng ủ rũ, héo hắt. Bà không còn đủ sức để làm được việc gì dù nhẹ, nói chi đến việc nấu ăn và trông cháu. Bà nhớ ông nên ra ngẩn vào ngơ, bác sĩ nói bà bị bệnh “depression” nên con dâu không cho phép bà lại gần mấy đứa cháu, sợ bà nổi điên bất tử, bóp cổ mấy đứa nhỏ !?!

Trung phải săn sóc cho mẹ mấy tháng liền đã thấm mệt, cộng thêm công ăn việc làm khó khăn, con cái quấy khóc không ngủ được nên trở thành cau có, gắt gỏng. Con ruột đã thế, nói chi đến con dâu? cuộc sống chung không còn hoà thuận như xưa, trong gia đình đã bắt đầu có nhũng tiếng bấc, tiéng chì, nói cạnh nói khóe, nhiếc móc… Chỉ có lũ cháu là vẫn thương bà, nhưng chúng còn nhỏ quá không thể bênh vực bà được. Sau cùng, hai vợ chồng Trung tìm cách đẩy bà cho Hiếu, rồi cho cô Út. Ở đâu cũng bị đối xử tương tự, các con bà quá bận rộn với cuộc sống, không ai muốn phải gánh thêm một gánh nặng là nuôi mẹ già bây giờ đã trở nên vô dụng. Ôi sao chẳng ai nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành? sao chẳng ai nghĩ đến người mẹ đã tận tụy hy sinh cả đời để nuôi nấng, chăm lo săn sóc các con không chỉ những lúc còn nhỏ mà ngay cả khi đã khôn lớn? Khi nào các con cần tới bà thì bà giúp ngay không bao giờ từ chối, bây giờ là lúc bà cần đến các con thì đứa nào cũng muốn trốn tránh trách nhiệm.

Ôi bà Sang tội nghiệp! bà bây giờ cũng giống như trái chanh khô héo vì đã bị vắt hết nước, chỉ còn cái vỏ xấu xí người ta muốn quăng đi cho rảnh mắt. Bà sống cô đơn trong sự lạnh nhạt của con cái cho tới một ngày buồn quá, bà đi lang thang và quên mất đường về, cảnh sát tìm ra bà và đưa về cho Trung. Ba đứa con họp nhau lại và quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Mới đầu bà không chịu và ứa nước mắt, khóc:

- Mẹ chưa mất trí nhớ đâu, mẹ chỉ buồn vì nhớ bố. Các con nên an ủi mẹ, chưa bao giờ mẹ thấy cô đơn như lúc này, mẹ cần các con các cháu, mẹ không muốn sống ở một nơi toàn là những người xa lạ, mẹ không muốn vào viện dưỡng lão.

Nhưng cả Trung và Hiếu đều nói:

- Mẹ cần người trông nom, mà chúng con đâu có thể bỏ việc để ở nhà săn sóc mẹ đuợc?

Thư cũng nói:

- Chồng con là người Mỹ, không có tục lệ ở chung với cha mẹ khi đã trưởng thành, chắc chắn Mike sẽ phản đối không bằng lòng cho mẹ ở đâu.

Đứa nào cũng có lý do để từ chối, bà đành thở dài cam chịu số phận, có còn con đường nào khác đâu? Các con đón bà về nhà mỗi tuần một lần, ở chơi từ sáng đến chiều rồi lại đưa vào, bà thấy thế cũng được an ủi phần nào. Cả tuần bà chỉ mong đợi đến ngày được đón về nhà, bà thương các cháu lắm, chỉ cần được trông thấy chúng nó là bà đã có cảm giác sung sướng ấm êm trong lòng.

Nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi đó cũng không kéo dài được bao lâu, những cuộc viếng thăm cứ từ từ thưa dần rồi ngưng hẳn. Bà mỏi mòn đợi mong… Ngày “mother day” bà hy vọng thế nào cũng được về nhà, nhưng Trung gọi điện thoại nói là phải trực gác ở bệnh viện nên không tới đón được, Hiếu và Thư thì gởi cho bà một hộp chocolat và một bó hoa hồng thật đẹp. Bà đâu có cần hoa? cũng chẳng muốn ăn kẹo, nhưng thôi được, chúng nó cũng có lòng, còn nhớ đến sự hiện diện của bà ở trên cõi đời này là quí rồi, bà nhẫn nại chờ một dịp khác. Nhưng đến Thanksgiving thì cả nhà Trung lại đi chơi Las Vegas, bà buồn rầu, ngơ ngẩn cả mấy hôm liền. Nhưng rồi ngạc nhiên và cảm động biết bao, buổi trưa hôm lễ Giáng sinh, cả ba đứa con cũa bà cùng xuất hiện một lượt, thăm bà ở viện dưỡng lão, ở chơi tới hơn một giờ mới đi, nhưng không cho bà về nhà vì nhà Trung tối hôm đó có mở party lớn lắm, mời tới hơn trăm người, có cả nhảy đầm. Mở party thì bận thật, bao nhiêu việc phải làm, ai có thì giờ mà đón với đưa bà về?

- Mẹ cứ ở đây có phải yên thân không? về nhà mà làm gì, vẽ chuyện!

Họ đã bảo như thế, thấy bà thất vọng lộ ra nét mặt, Trung an ủi và hứa chiều 30 Tết sẽ đón bà về cúng giao thừa và ở chơi trọn ba ngày Tết. Bà đếm từng ngày, và sau cùng cái ngày mong đợi đó đã tới… Mấy giờ rồi? không có đồng hồ nên bà bực lắm, đành phải đoán chừng vậy, hồi nãy bà nghe có nhiều tiếng chân đi lại trên hành lang và tiếng người nói chuyện ồn ào. Thôi đúng rồi, những người khán hộ đang bàn giao công việc vì sắp sửa đổi phiên, đổi phiên là 6 giờ chiều, chưa hết hy vọng,Trung tan việc lúc 4 giờ chiều, từ sở đến đây cũng phải mất hơn một tiếng ấy là chưa kể kẹt xe, hãy ráng chờ thêm một lúc nữa, một lúc nữa thôi… Bà ngồi tựa đầu bên cửa sổ ngắm nắng chiều chiếu phớt trên những ngọn cây, sốt ruột khi thấy nắng cứ nhạt dần rồi tắt hẳn và màn đêm đang buông xuống. Trời đã nhá nhem tối, bà Sang thở dài, bỏ vào giường nằm, cứ đêm về người bà lại gây gây sốt. Trên chiếc bàn con để cạnh đầu giường, khay đồ ăn người nhà bếp đem lên từ hồi chiều bây giờ đã nguội lạnh. Miệng dắng ngắt, bà nhìn một cách chán nản đĩa khoai nghiền rưới một tí nước sốt màu nâu đục lờ lờ, mấy miếng cà rốt, đậu ve và củ cải đỏ để cạnh một miếng thịt gà lớn bằng nửa bàn tay, một chén súp lõng bõng nước, nổi lều phều những sợi nui và vài miếng thịt bò băm, một ly sữa và một ly nước cam. Đồ ăn Mỹ tuy bổ nhưng không hợp khẩu vị, bà chỉ thèm cơm, giờ này mà được một bát canh rau ngót có phải dễ nuốt hơn không? Nói nào cho ngay mấy lúc sau này, trong người không được khoẻ nên ăn gì cũng chẳng thấy ngon, nướu răng bà cứ bị chảy máu hoài, mỗi lần nhai đồ ăn lại xót nên bà sợ ăn lắm, uống thì còn được, cứ việc nhắm mắt, nín thở nuốt ực một cái là xong. Nhưng bất cứ thức ăn hay đồ uống nào vào đến dạ dầy lại muốn quay lộn trở ra làm bà bợn dạ chỉ muốn ói, và bà ói ra hết, ói ra cả mật xanh lẫn mật vàng, khó chịu quá, thôi thì đừng ăn uống gì cả cho nhẹ mình. Người bà yếu đi dần dần, sinh lực từ từ tiêu tan giống như hy vọng cũng từ từ tiêu tan.

Bà ngồi ghé xuống giường rồi ngả lưng từ từ nằm xuống, vắt tay lên trán, bà nhắm mắt lại nghĩ ngợi vẩn vơ hết chuyện này đến chuyện kia, không biết bao lâu. Bỗng có tiếng nói vang lên ngay bên cạnh giường làm bà giật mình:

- Bà cụ lại bỏ ăn nữa à?

Bà mở choàng mắt, cô khán hộ lúc buổi trưa đã trở lại, cô ta đứng tần ngần nhìn khay đồ ăn còn nguyên, chép miệng hỏi, bà giương đôi mắt lờ đờ, mệt nhọc đáp:

- Tôi không thấy đói cô ạ, nhưng tôi đã uống hết ly nước cam rồi đấy.

- Một ly nước cam thì đâu có đủ? Cụ bỏ cơm bữa nay là bữa thứ tư rồi đấy, mấy tháng nay cụ ăn uống cũng thất thường, không trách người cứ gầy rạc

đi. Bữa nọ, bác sĩ khám bệnh cho cụ bảo sao hả cụ?

Không thấy bà trả lời, cô khán hộ nhìn bà có vẻ áy náy một lúc rồi ngập ngừng đề nghị:

- Hay là cụ mệt thì để cháu xúc cho cụ ăn nhé?

Bà cố gượng cười:

- Chỉ tại không đói thôi, tôi đâu đến nỗi phải xúc cho ăn như xúc cho con nít.

- Thôi cháu hiểu rồi, cụ buồn vì nhớ nhà, có đúng không nào? Chiều nay là chiều cuối năm, cháu tưởng các con cụ đã tới đón cụ về nhà rồi chứ?

- Mọi năm thì vẫn vậy, nhưng không hiểu sao năm nay giờ này chưa thấy chúng nó tới, tôi vẫn đang đợi…

- Chắc họ bận việc gì đó nên tới trễ. Thôi cụ cứ ở đây nằm chờ nhé, cháu phải về vì đã hết giờ rồi.

- Được, cô cứ về. Chúc cô một năm mới tốt đẹp.

- Cháu cũng chúc cụ như vậy.

Nói xong cô nắm lấy tay bà xiết nhẹ một cái rồi quay đi, ra tới cửa, cô đứng bịn rịn một lúc, đưa tay quệt nước mắt rồi mới ra về, linh tính cho cô thấy một điều gì bất tường nhưng không thể đoán được là việc gì, cô chỉ thấy rất tội nghiệp cho người mẹ bị bỏ quên này.

4

Mười giờ đêm thì bà Sang không còn hy vọng, không còn chờ đợi gì nữa, thế là hết, đêm nay cũng sẽ giống như mọi đêm khác bà âm thầm khóc một mình trong canh khuya.

Bà lặng lẽ ngồi dậy cởi cái áo đẹp mà bà đã mặc vô từ hồi sáng sớm để sửa soạn về nhà, thay bộ đồ ngủ nhàu nhè và lên giường nằm lại.

Đêm nay bà không ngủ được, nằm một lúc thấy mỏi, bà trở mình, cảm thấy chóng mặt và hơi buồn nôn, bà ôm ngực ho khan lên vài tiếng thấy có vẻ dễ thở hơn một chút. Trời về đêm trở lạnh làm bà rét run, bà kéo chăn đắp đến ngang ngực nhưng chỉ một lát lại tung ra ngay, hơi nóng hừng hực từ trong người bà bốc ra làm chân tay, mình mẩy bà ưót đẫm mồ hôi, cơn sốt đêm nay dường như gia tăng nhiệt độ chứ không chỉ âm ỷ như mọi đêm, sốt gì mà dai dẳng cả mấy tháng không dứt. Nghĩ mà buồn cho tuổi già suy xụp nhanh quá, mới ngày nào bà còn mạnh khoẻ, một mình bà quán xuyến hết mọi việc nhà, làm quần quật từ sáng đến tối mà không thấy mệt, thế mà chỉ mấy năm sau khi ông mất đi, bà đã biến thành một người khác hẳn, một người mà sự sống phải phụ thuộc vào kẻ khác, một người là gánh nặng của mọi người. Bị con cái bỏ rơi, bây giờ bà nằm đây một mình, bệnh hoạn, cô đơn… Nước mắt rơi ướt gối từ lúc nào, bà muốn trở mặt gối nhưng sao thấy khó khăn quá, tay chân rã rời giở lên không muốn nổi, mình mẩy thì đau như dần, giá còn ông lúc này thì đỡ quá, bà sẽ nhờ ông xoa bóp cho đỡ nhức. Thấy bà không ăn được, thể nào ông cũng nấu cho bà một tô cháo nóng và những lúc như bây giờ, bà sẽ nhờ ông nâng dậy, kê thêm gối dưới lưng, nằm cao lên cho dễ thở. Cái cửa sổ vẫn mở, gió lùa vào lạnh quá, gió làm tôi muốn ngạt thở, hình như có tiếng chân ai đang đi bên ngoài, phải ông đó không? làm ơn ra khép dùm tôi cái cửa! hồi chiều cô y tá quên đi kiểm lại, lạnh quá… Sao ông không lên tiếng? ờ mà tôi quên là ông đã chết rồi còn đâu nữa, có lẽ chỉ là tiếng lá rơi mà tôi lại tưởng là tiếng chân người cũ, không hiểu sao tôi vẫn có cảm tưởng ông đang quanh quẩn ở đâu đây, rất gần… Ông có nghe tôi nói không? ông bỏ đi đâu mà bất thình lình làm tôi đau khổ quá sức, người đâu vô tình, có muốn bỏ đi cũng phải từ từ cho người ta chuẩn bị tinh thần chứ? Căn nhà mình ở tôi đã bán rồi ông ạ, bán ngay sau khi ông qua đời được có vài tháng.

Hôm bán nhà, tôi không khỏi ngậm ngùi rơi lệ, căn nhà vợ chồng mình ở đã mấy chục năm giờ đã có người dọn vào. Nhìn họ khuân đi những đồ đạc kỷ niệm của mình, tôi không cầm được nước mắt, kia là bộ sa lông cả nhà vẫn quây quần ngồi xem TV mỗi tối sau bữa cơm chiều, nọ là bộ bàn ăn có sáu cái ghế và cũng là bàn học của các con, chúng mình đã mua được với giá rẻ chỉ vì có một vết xước nhỏ ở mép bàn, vết xước rất nhỏ, có để ý mới thấy thế mà cũng được trừ mấy trăm bạc. Sau này hai anh em thằng Trung, thằng Hiếu vô ý làm trầy thêm vài vết nữa khiến ông phải mua một tấm kiếng đặt lên để khỏi bị trầy thêm, gia đình mình đâu có dư dả nên cái gì cũng phải tiện tặn. Hai thằng con mình đến là nghịch ngợm, đá banh trúng cửa sổ làm bể kiếng phải thay kiếng mới. Con Thư thì trái lại, gọn gàng ngăn nắp từ trong ra ngoài, nó giữ gìn phòng nó sạch sẽ, đẹp đẽ lắm, con gái có khác. Kìa họ đang tháo gỡ những bức tranh trên tường, những bức tranh tự tay ông chọn lựa, nâng niu cưng quí, đo đạc từng ly từng tí rồi mới treo lên không dám làm mạnh tay, bây giờ bị họ giật xuống, gom lại thành đống. Tôi để cho họ đem đi hết, không biết họ có dùng không hay vứt thùng rác, nghĩ mà đau lòng, nhưng tôi còn có nhà cửa đâu mà đem về?

Còn nữa, còn cây đàn dương cầm, lúc họ khiêng đi, tôi đau đớn như bị cắt từng khúc ruột, cây đàn này ông dã mua tặng tôi nhân dịp kỷ niệm cưới ba mươi năm của chúng mình, nó đã cũ lắm rồi, nhưng âm thanh còn tốt và không có phím nào bị hư cả, tôi chơi dở nhưng ông vẫn thích nghe và vẫn khuyến khích cho tôi khỏi nản. Tôi hỏi:

- Tiếng đàn của tôi thì có gì đặc biệt để ông phải mất thì giờ lắng nghe?

Ông nhìn tôi với ánh mắt ngập tràn thương yêu:

- Đặc biệt lắm chứ, vì là tiếng đàn của vợ mình. Tôi yêu thích tất cả những gì thuộc về bà, xấu cũng như đẹp, hay cũng như dở...

Ôi câu nói mới chí tình làm sao làm tôi nhớ suốt một đời. Bây giờ thì chẳng còn gì nữa ông ạ và tôi thề sẽ chẳng bao giờ đụng đến bất cứ một cây đàn nào khác. Tôi cố năn nỉ các con xin giữ lại một kỷ niệm của bố mẹ, nhưng chẳng đứa nào bằng lòng, nhà cửa của chúng nó sang trọng, toàn những đồ đạc quí giá đắt tiền, đâu có thể bày một cây đàn piano cũ rích trông chẳng xứng tí nào, làm xấu cả căn nhà đi, chúng sợ bạn bè của chúng chê cười. Mọi đồ đạc cũ đã được đem đi hết chỉ còn cài ghế đá sau vườn là vẫn để y chỗ cũ, cái ghế đá kê dưới bóng mát của cây ngọc lan, ông vẫn ngồi đọc báo mỗi buổi sáng, ghế bây giờ trống trơn không có ai ngồi cả, tôi đau quặn trong lòng. Ôi! ghế đá còn đây mà người thì đã khuất rồi. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, người chủ mới thông cảm bảo tôi cứ nhìn ngắm cho thoả thích, ở lại bao lâu cũng được, nhưng tôi từ chối và ra về ngay sau đó, ở lại làm chi, càng nhìn càng đau lòng. Ông đi trước là ông sướng hơn tôi bởi vì ông đâu có phải chịu cảnh bơ vơ như tôi bây giờ? Chả trách các con ông ạ, đời sống ở bên này quá vất vả, chúng nó lo cho gia dình của chúng nó còn khó khăn, đâu có thì giờ lo cho tôi. Tôi vào viện dưỡng lão là phải rồi, nhưng tôi nhớ chúng nó lắm, nhất là các cháu, thằng cu Sơn càng lớn càng giống bố nó như đúc, giống bố nó tức là giống ông đấy, thuở nhỏ ai cũng bảo hai cha con ông giống nhau như hai giọt nước. Năm nay Sơn mười bốn tuổi, đang học trung học, chóng thật mới đây mà đã bẩy, tám năm… Nhớ hồi nó học lớp mẫu giáo, ông vẫn đưa đón nó tới trường, thế mà chả bao lâu nữa nó sẽ vô đại học, thời gian đi nhanh thật đáng sợ.

Từ ngày tôi vào viện dưỡng lão, Hiếu và Thư ở xa nên lâu lâu mới về thăm mẹ một lần, nhưng chúng nó thỉnh thoảng vẫn gọi điện thoại nói chuyện, còn Trung ở gần nên tới lui thường xuyên hơn, mỗi tuần nó tới đón tôi về nhà một lần. Nhưng chỉ được có năm đầu, sau này chả hiểu chúng nó bận chuyện gì mà năm thì mười họa mới tới, lần cuối tôi được về nhà là Tết năm ngoái, từ đó tới nay bặt tăm. Tôi nhớ các cháu lắm, nhưng biết làm thế nào bây giờ? tôi đâu có thể tự mình về nhà được, mà chắc gì vợ chồng thằng Trung bằng lòng cho tôi về? Tôi nhớ nhà quá, đêm nay là đêm 30, nhà nào cũng xum họp gia đình, tôi thèm được về nhà dù chỉ một chốc cũng được, tôi muốn tự tay thắp vài nén nhang trên bàn thờ, mời ông bà, cha mẹ và mời ông về xum họp với con cháu trong ba ngày đầu xuân. Nhưng không biết bàn thờ có còn đó không hay chúng nó dẹp đi rồi, vì sợ nhang nến làm cháy thảm? Khổ quá, giá tôi còn một chút sức khỏe thì tôi sẽ gọi taxi đi một mình, đâu cần phải đợi chúng nó đến rước, đợi đến bao giờ? Ông không biết chứ cứ nằm một chỗ mà đợi thì sẽ sốt ruột lắm vì thấy thời gian đi chậm vô cùng.

Mấy giờ rồi nhỉ? tôi chợt nghe có tiếng pháo nổ ở đâu đây, lúc xa lúc gần, pháo nổ từng loạt, hết loạt nọ đến loạt kia liên tiếp không ngừng, chắc là đã đến giao thừa rồi. Giao thừa năm nào nhà mình cũng xum họp đầy đủ, vui lắm. Tôi nhớ giao thừa năm nào, hồi chúng mình còn trẻ, dắt các con đi lễ chùa, hái lộc, đông người quá, loanh quanh thế nào mà lạc mất thằng Hiếu, phải đi tìm mãi mới thấy. Tôi phải một phen hết hồn, nhưng cu cậu trái lại chẳng có vẻ sợ hãi tí nào, đứng mê mải xem thiên hạ dâng hương, coi bộ lạ lắm, cái thằng thật là gan lỳ hết chỗ nói, giá ở bên nhà thì thể nào cu cậu cũng dám đốt pháo đùng rồi lại bị phỏng mất thôi. Tội nghiệp những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở quê người, chưa bao giờ được nghe tiếng pháo giao thừa, chưa bao giờ cảm nhận được không khí thiêng liêng cuả ngày tết khi mà cả nước tưng bừng sửa soạn đón xuân. Ở đây ngày Tết êm rơ như ngày thường, Tết mà vẫn phải đi học, đi làm, Tết mà không có tiếng pháo, không có hoa mai hoa đào, không cả diện quần áo mới thì chẳng có vẻ gì là Tết... Ở đây, Tết chỉ riêng trong nhà người Việt Nam thôi, người bản xứ không bao giờ hoà mình vào những niềm vui chung của một đám dân thiểu số,Tết là Tết của mình chứ đâu phải là Tết của họ.

Mỗi lần Tết đến, tôi không khỏi nao nao nhớ nhà, tôi nhớ lắm những phong bao lì xì ngày còn bé, những lần đi chúc tết họ hàng, những đám múa lân, những bàn bầu cua cá cọp, tôi nhớ giao thừa năm nào chuông nhà thờ, chuông chùa cũng đổ dồn dập đón mừng năm mới, tôi nhớ những ngày đầu xuân đi lễ chùa, khói trầm nhang nghi ngút, tôi nhớ… Ô hay tiếng pháo sao lại ngưng? đã hết giao thừa đâu? giao thừa người ta đốt pháo rộn ràng cả giờ cũng chưa chấm dứt, hình như pháo nổ càng dài bao nhiêu thì vận mệnh năm mới càng hên bấy nhiêu, nhiều nhà còn thi đua xem pháo nhà ai nổ lâu nhất, ròn rã nhất... À thôi phải rồi, tôi quên là ở bên Mỹ họ cấm đốt pháo, nhưng tôi đang ở đâu thế này? tôi cứ tưởng đang ở quê nhà, có lẽ tôi lẩm cẩm mất rồi, thì ra nãy giờ tôi đang nằm mơ… Bây giờ thì tỉnh rồi, tôi biết tôi đang ở trong viện dưỡng lão, hôm nay viện vắng hoe, chiều cuối năm, mọi người đều được con cháu đón về nhà cả, ở lại toàn là những người đau yếu, bệnh nặng không đi lại được, hoặc những người không có thân nhân. Tôi cũng có thân nhân, con cháu tôi đông lắm, nhưng chẳng đứa nào nhớ tới là còn có người mẹ già ở trong viện dưỡng lão đang mỏi mòn đợi mong. Đêm đã khuya lắm, bầu trời đen kịt không trăng sao, chỉ có bóng tối, đêm 30 bóng tối càng dầy đặc, âm u dến rợn người, tôi sợ bóng tối lắm, bóng tối luôn luôn làm cho tôi có cảm giác bất an…

5

Có tiếng nói lao xao ở ngoài cửa, bà nhìn ra, lạ nhỉ, đêm hôm khuya khoắt như thế này ai đến viện dưỡng lão làm gì? Hay là Trung tới đón? có thế chứ, lẽ nào các con lại bỏ rơi mẹ, bà mừng chảy nước mắt, cái thằng thiệt hết nói, đến vào giờ này à? Vô đi con! không sao cả, có đến là tốt rồi. Nhưng không phải, có tiếng của trẻ con, hình như nó đang gọi mẹ, giọng non nớt chưa từng nghe qua bao giờ, nhưng không có vẻ xa lạ tí nào. Tự dưng bà liên tuởng đến Thảo, đứa con thứ ba của ông bà sau Hiếu, đứa con xấu số vừa sanh ra đã chết ngay từ lúc mới lọt lòng, nhưng cũng được mang một cái tên… Có phải Thảo đó không? lại đây cho mẹ xem mặt tí nào! con đã lớn bằng từng này rồi à? Ồ nhưng có lẽ không phải đâu, Thảo nếu còn sống thì giờ này cũng đã ba mươi tuổi chứ đâu có bé xíu như thế này? Nhưng nó là con nhà ai mà ông lại dắt nó thế? nó đang nhoẻn miệng cười, dễ thương quá. Xem kìa! cặp mắt và cái miệng cười của nó giống hệt con Thư, giống hệt tôi... Chỉ có con thì mới giống mẹ, nó đúng là con tôi rồi. Lại đây với mẹ đi con! lại đây cho mẹ ôm con một tí, tội nghiệp con bé bỏng từ lúc sanh ra chẳng được ở với mẹ ngày nào. Sao con đứng im thế kia? cả ông nữa? Nãy giờ chỉ có một mình tôi nói, tôi chưa từng nói nhiều như thế bao giờ cả, nhưng hãy để cho tôi nói chỉ một lần cuối cùng này rồi thôi, tôi chất chứa ở trong lòng lâu rồi không biết thố lộ cùng ai… Dạo này tôi đau nhiều lắm ông ạ, chiều nào cũng lên cơn sốt, xương sống, xương vai buốt như có kim châm, thỉnh thoảng lại bị chảy máu mũi, máu răng. Tôi chẳng thèm khai bệnh với ai, nhưng thấy tôi xuống cân nhiều quá, cô y tá báo cáo nên tuần vừa rồi có bác sĩ tới khám bệnh cho tôi, có cả thử máu nữa, mới biết kết quả mấy hôm nay, người ta bảo tôi bị ung thư máu cấp tính phải vào bệnh viện để chữa trị, họ sẽ báo cho người nhà biết để tùy người nhà quyết định. Chẳng biết họ đã báo cho các con chưa mà không thấy chúng nó tới, có thể chúng nó chưa biết, chứ biết rồi chắc chúng chẳng nỡ làm lơ đâu. Tôi đâu còn sống được bao lâu nữa, được thoát kiếp là mừng, vì khỏi phải dây dưa kéo dài những đau khổ. Tôi không sợ chết, nhưng tôi sợ phải nằm bệnh viện lắm, đàng nào cũng chết thì chết ở nhà sướng hơn. Tôi chỉ mong được về nhà ba ngày Tết, nhìn đủ mặt các con cháu rồi muốn ra sao thì ra, có chết cũng mãn nguyện, nhưng sợ chúng nó không chịu, đem người bệnh về nhà xui, rủi chết bất tử lại càng xui nữa. Có lẽ vì vậy mà chúng chần chờ không chịu đón tôi chăng? Thật không may, phải chi biết trễ vài ngày nữa, có thể tôi đã được ăn Tết ở nhà. Ở đây buồn lắm chả có ai trò chuyện, bà Tám cũng được con đón về từ hồi chiều rồi, nơi đây chỉ còn mình tôi với bóng tối và cô đơn…

Đêm đã khuya lắm, tôi nghe đồng hồ vừa gõ ba tiếng, chắc là đã 3 giờ khuya, sao tôi cứ trăn trở hoài không ngủ được, đầu tôi nhức lắm, mắt tôi mờ đi rồi, tôi mệt quá chỉ muốn ngủ được một giấc dài để mơ một giấc mơ thật đẹp… Không, ông đừng đi! đừng bỏ tôi lúc này, bây giờ là lúc tôi cần ông nhất, người tôi làm sao rồi ấy, khó chịu lắm, có cái gì chặn nơi ngực làm tôi không thở được… Bà dướn người, há miệng thật to cố hít lấy không khí vào phổi, nhưng một cơn ho dữ dội làm bà gập đôi người lại. Dứt cơn ho, bà mệt lả nằm cong người như con tôm, đầu tụt xuống khỏi gối, hơi thở yếu lắm chỉ còn thoi thóp, nhưng bà còn đủ tỉnh táo để nhận ra có một thứ nước gì nhờn nhờn, tanh tanh bắt đầu chảy ra từ miệng, từ mũi và có lẽ cả từ tai bà nữa, chất lỏng tanh tanh mằn mặn ấy đang rỉ rả chảy ra từ từ, nhưng liên tục… Máu? phải, đúng là máu rồi, máu bò thành từng giòng trên mặt bà rồi rơi xuống tấm nệm giường trắng tinh.

- Trời ơi!

Bà hốt hoảng kêu lên nhưng rồi bình tĩnh lại ngay, có gì mà phải sợ? Được, cứ ra nữa đi! ra hết đi, càng ra thoát người bà càng nhẹ. Bây giờ thì bà nhẹ tênh, lâng lâng như bay bổng, bà quờ quạng tìm ông nhưng không thấy, bà mở mắt ra cố nhìn, mắt bà mờ rồi, nhưng bà vẫn thấy được ông đang đứng mãi tận đàng xa, nơi cuối đường, trong vùng có ánh sáng như dát vàng đẹp quá… Bà mừng rỡ cất tiếng gọi, ông dơ tay lên vẫy, bà vội vã bước tới, bước tới mãi, nhưng bóng ông lúc ẩn lúc hiện, lúc gần lúc xa, đi hoài không tới. Ô hay! cái ông này lạ chưa, sao ông không bước tới để tôi cứ phải gắng sức như thế? ông không biết rằng tôi đang mệt à? Ông mỉm cười dang tay ra đón, bà lại xích tới, xích tới nữa, khoảng cách cứ ngắn dần, ngắn dần… Ừ, có thế chứ, đừng chơi trò cút bắt với tôi, ít ra ông cũng đứng yên, chứ tôi tiến mà ông lùi thì bao giờ mới tới? Còn vài bước nữa thôi, bà đưa tay ra với, chỉ còn hai bước, rồi một bước… Tay bà sắp chạm tay ông, bây giờ thì bà mới nhận thấy giữa bà và chỗ ông đứng có một khoảng cách - mà là khoảng không mờ mịt - không xa lắm, nhưng sao với mãi không tới?

Bỗng nhiên như có một sức mạnh vô hình từ phía sau đẩy tới, xô bà té nhào vào khoảng không phía trước mặt, bà kêu lên sợ hãi khi thấy thân hình mình lơ lửng trong không gian rồi cứ thế vùn vụt rơi xuống, chạm mặt đất gây nên một tiêng động lớn… Không đau đớn gì cả, chỉ có tiếng rơi vỡ loảng xoảng rồi thì im lặng, một cái im lặng tuyệt đối.

Khi bà mở mắt ra thì thấy chồng và đứa con nhỏ đã đứng bên cạnh bà từ lúc nào, mỗi người đang nắm một tay bà. Họ cười với bà và nói vài câu trấn an, bà cũng cười lại với họ và từ từ ngồi dậy, cảm thấy thân thể nhẹ nhõm, bà thử đứng thẳng người lên và bà đứng lên dễ dàng. Mỉm cười sung sướng, bà ngoái đầu nhìn xem chung quanh, đây vẫn là viện dưỡng lão chứ có phải chỗ nào xa lạ đâu? vẫn khung cảnh quen thuộc cũ, nhưng không hiểu có chuyện gì mà mọi người đang hối hả đi tới đi lui, gọi nhau í ới, vài người đang bước đi vội vã trên hành lang. Thế rồi đèn bật sáng choang, tiếng chuông báo động, tiếng chân chạy rầm rập… Có người nào đó la lớn:

- Gọi xe cứu thương, nhanh lên!

- Trời ơi sao lại ra nông nỗi này?

Bà thấy thân thể bà nằm dài trên mặt đất, cạnh cây đèn bàn đổ nghiêng, thuốc men, chai lọ, mấy quyển sách và cặp kiếng lão của bà văng tung tóe trên sàn nhà. Một người nâng bà dậy, lay gọi rối rít:

- Bà Sang, bà Sang, tỉnh dậy đi! gần sáng rồi đó, con bà sắp tới đón bà. Về nhà ăn Tết với các con các cháu. Tỉnh dậy, tỉnh dậy đi!

Bà mỉm cười:

- Tôi có mê đâu ? vẫn tỉnh đấy chứ. Bây giờ tôi đã khỏi hết bệnh tật rồi các ông các bà ạ, người tôi khỏe khoắn dễ chịu lắm, nhưng tôi không về nhà đâu, có ai mong tôi đâu mà về ? Hiện giờ đang có ông nhà tôi và con Thảo tới đón tôi, họ mới là những người còn nhớ đến tôi, thương yêu tôi lắm, nhưng là những người đã chết…

Bà cố gắng nói thật lớn, nhưng hình như không ai nghe thấy bà nói gì cả, họ đang bận rộn tiu tít. Thế rồi xe cứu thương rú còi inh ỏi, xe cảnh sát chớp đèn sáng lóa, họ đến khiêng bà đi. Trời đã bắt đầu rạng đông, vầng ánh dương vừa ló dạng chiếu những tia sáng rực rỡ làm hồng một góc chân trời, một ngày mới bắt đầu, một ngày đầu xuân rất đẹp, rất êm đềm. Những người ở trong viện dưỡng lão đã thức dậy cả, vài người tò mò chạy tới coi và xì xào bàn tán:

 - Bà ấy đi nhanh quá, mới chiều hôm qua còn thấy ra ngồi cửa sổ.

  

* * *

Sáng sớm mùng một Tết, chuông điện thoại reo tới tấp, trước hết là viện dưỡng lão gọi báo tin cho Trung, sau đó Trung gọi báo tin cho các em. Lại có một cuộc bàn tính qua điện thoại, Hiếu nói:

- Anh đưa mẹ vào nhà quàng Rose Hill, tụi em sẽ mua vé máy bay về ngay ngày mai.

- Chôn cùng chỗ với bố hả? Thư hỏi.

- Dĩ nhiên! Trung nói, đám tang phải tổ chức cho thật lớn, thật sang trọng. Các cô, chú đồng ý cả chứ?

- Còn phải hỏi! Hiếu và Thư cùng đáp, đám ma mẹ của một ông bác sĩ, một ông kỹ sư, mẹ vợ của một nhà đại thương gia phải làm sao cho đẹp mắt để thiên hạ trông vào mà thán phục. Tốn kém bao nhiêu cũng được, anh cứ lo cho chu đáo, tổng kết hết bao nhiêu, chúng mình chia ba, đồng ý?

- Đồng ý!

Như thế đó, đám ma của bà Sang lớn chưa từng thấy, làm lé mắt thiên hạ : xe hòm phủ khăn đen do bốn con ngựa kéo, một cái kiệu sơn son thếp vàng, trong có cái hình phóng lớn của bà Sang đang cười thật tươi, hình được lộng trong một cái khung mạ vàng, kiệu được che bằng hai cái lọng do hai người cầm rước đi trước xe tang, theo sau là những bức trướng và cờ phướn bay rợp trời, con cháu mặc xô gai đi sau xe tang cất tiếng khóc ai oán. Một dàn nhạc tây với tám người nhạc công mặc đồng phục màu đen vừa đi vừa trỗi những bản thật buồn. Người đi đưa đám có cả mấy trăm, những người xem đứng chật hai bên đường đông vô số kể, ai cũng khen đám ma lớn chưa từng thấy. Bà Sang chắc cũng mát dạ và nở mặt nở mày với thiên hạ, lúc sống bị các con bỏ rơi, lúc chết được đón rước bằng một đám ma linh đình, được thiên hạ suýt soa khen ngợi là có phước.

Trong viện dưỡng lão, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường, mấy ngày Tết qua đi, mọi người lục tục trở về gần đủ số, chỉ thiếu có một mình bà Sang. Nhìn cái giường trống của bà chưa có ai thay thế, vài người bạn cũa bà bùi ngùi thương cảm một lúc rồi thôi. Ở đây, cái chết chỉ là một điều tất nhiên, rồi ai cũng sẽ tới lượt, họ nhanh chóng quên đi cái biến cố nho nhỏ đó. Bà Tám xin đổi phòng khác với lý do là không muốn trông thấy khung cảnh gợi lại những kỷ niệm của người bạn đã chung phòng với bà trong bẩy năm qua, nhưng kỳ thực thì lý do chính là vì bà sợ ma. Ông nhạc sĩ có lẽ không biết rằng ông vừa mất một người thính giả trung thành vẫn ái mộ ông từ thuở còn trẻ. Mấy lúc sau này ông không còn dạo đàn mỗi buổi sáng nữa, ông yếu đi nhiều rồi, hai tay bắt đầu run rẩy, đàn không hay nên ông không đàn nữa, hẳn ông buồn lắm phải giã từ những bản đàn, những nốt nhạc suốt một đời gắn bó. Mỗi buổi chiều, ông thường chống gậy thơ thẩn ra vườn hoa, ngồi trên băng ghế trong sân viện ngắm mặt trời xuống thấp sau ngọn cây, đếm thời gian qua thêm được một ngày, người nghệ sĩ về chiều ngồi im, buồn bã nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ những tràng pháo tay hoan hô, nhớ thuở vàng son vang danh một thời… Hôm đám ma bà Sang, ông không đi dự, nhưng khi nhà quàng đến đem bà đi, ông ra ngồi đàn, run tay dạo bản nhạc buồn của Chopin “Marche Funèbre” như để tiễn đưa người bạn già về bên kia thế giới, đó là bản nhạc cuối cùng của ông.

Phương Lan

(Trích trong tập truyện “Bốn mươi năm cuộc tình”)