Kiều Mỹ Duyên, 17-6-2012

Mỗi người trong chúng ta nợ nhiều người, ngoài nợ ông bà cha mẹ đã sinh ra, nuôi cho lớn khôn, thương yêu đùm bọc cho đến khi cha mẹ qua đời. Tôi cũng vậy, tôi là con cả được ông nội thương yêu, và cha mẹ thương yêu, muốn gì được cái đó, muốn đồ chơi có đồ chơi, muốn xe đạp có xe đạp, muốn xe Honda có xe Honda, muốn ăn gì được ăn thứ đó. Ba tôi là con cả, tôi là con cả, được thương yêu hơn các em của tôi, tôi được du lịch nhiều nhất trong gia đình của tôi. Tôi được cha mẹ tôi đóng tiền cho học thêm toán, lý, hóa, sinh ngữ, đàn, thể thao, v.v.. Cha mẹ tôi tốn rất nhiều tiền cho tôi để học thêm, tốn nhiều hơn các em của tôi. Sau khi tôi lớn lên, muốn báo hiếu thì thân phụ không còn nữa, mẹ tôi đoàn tựu với chúng tôi không bao lâu thì qua đời, có lẽ sống cực khổ quá dưới đế chế Cộng Sản nên sức tàn lực kiệt, khi đoàn tựu với chúng tôi ở Mỹ không bao lâu thì mẹ tôi qua đời.

Trước khi mẹ tôi qua đời dặn dò tôi:

- Lo cho em gái của tôi và hai đứa cháu, con của cậu em út.

Mẹ tôi lúc nào cũng quan tâm đến người khác hơn chăm sóc chính mình. Mẹ tôi mua quần áo rất nhiều, mỗi tuần đi phố thấy rẻ thì mua để gửi về Việt Nam cho người nghèo. Em gái tôi gần mẹ tôi hơn, vì cuối tuần tôi phải làm việc, em tôi thì chở mẹ tôi đi chùa hay đi phố mua sắm những hàng nào rẻ.

Mẹ tôi làm việc suốt ngày, chăm sóc vườn tượt, bếp núc, dù bận thế nào cũng đến giờ là mẹ tôi tụng kinh và cầu nguyện cho tất cả người thân của bà. Mẹ tôi ngồi cái lưng lúc nào cũng thẳng, ngay cả vây cỏ ở vườn trước nhà. Khi mẹ tôi còn sinh tiền, hoa hồng nhà tôi nở rực rỡ, bông giấy cũng nở thật tươi, và cây đào trước sân lúc nào cũng có trái. Không biết tại sao khi mẹ tôi qua đời thì cây nhà tôi ít trái, cây đào hàng năm có trên 200 trái nhưng sau khi mẹ tôi mất thì còn chưa được 70 trái mỗi mùa. Hình như cây và người có mối thâm tình với nhau, người chủ ra đi vĩnh viễn thì cũng có những cây ra đi theo, tàng cây rụng lá, không còn trái rồi từ từ chết, phại đốn gốc. Một cây đào ở sân trước chết, phải đốn gốc, và 2 cây đào sau nhà cũng chết, thế là 3 cây đào cây lá xum xuê đi theo mẹ tôi.

Em gái tôi nói:

- Em quên cột khăn trắng để tang cho má, nên mấy cây đào mới chết.

Người và cây cũng có mối liên hệ thâm tình, tôi nghe vậy cứ nghĩ vậy. Sau ngày mẹ tôi qua đời lâu lắm cây vườn nhà chúng tôi mới hồi phục lại, phải mất vài ba năm. Không ai giải thích nổi tại sao ?

Gần tới lễ Vu Lan, Vu Lan báo hiếu, người nào còn mẹ là một điều hạnh phúc nhất trên đời, người nào không còn mẹ có mơ ước cũng không được ? Tôi đã nhìn thấy nhiều cụ già lụm cụm vào chùa, bên cạnh có con của mình dìu hai bên. Tôi tự nhủ:

- Những người này sao mà hạnh phúc ?

Hạnh phúc là cái gì nhỏ nhoi mà mình muốn cũng không được, cầu cũng không có, bởi vậy ai còn cha mẹ phải trân quý những tình cảm độc nhất vô nhị không thể nào có được nếu ta mất đi.

Ngoài nợ ân tình của ông bà cha mẹ, không ai mà không nợ những người xung quanh, nợ những vị lãnh đạo tinh thần, trong nhà có người đau, có người chết thì chúng ta nghĩ ngay đến những vị lãnh đạo tinh thần, bằng hữu, và những người xung quanh. Ngay buôn bán làm ăn cũng vậy, chúng ta lúc nào cũng cần sự giúp đỡ của tất cả mọi người.

Ông bà mình thường hay nói: “Bà con xa không bằng xóm giềng gần.” Người gần nhất là những người mà chúng ta có thể nhờ nhanh nhất, và chúng ta nhờ nhiều nhất. Tóm lại mỗi người trong chúng ta ai cũng có nợ, nợ thầy giáo cô giáo, nợ người gần và nợ người xa. Những người giúp đỡ chúng ta không bao giờ nhừ chúng ta điều gì, vì thế tôi thường hay khuyên những người thân của tôi ráng hễ làm gì được cho người khác thì làm ngay đừng chần chờ, bởi vì thời gian không cho phép chúng ta chần chờ. Với những người tuổi tát đã cao, thấy đó rồi mất đó cho nên vấn đề thời gian vô cùng quý báo, muốn mời ông bà hay cha mẹ đi ăn một bữa cơm ngon thì mời ngay đừng đợi ngày mai.

Kiều Mỹ Duyên thì nợ nhiều người lắm, ngoài món nợ như tất cả những người khác, còn nợ khán giả, thính giả vả đọc giả thương yêu mấy chục năm nay. Cầu xin Thượng Đế ban phước lành cho tất cả.

Kiều Mỹ Duyên