Bài BĂNG HUYỀN / (VienDongDaily.Com - 10/04/2016)

Giáo dục hội nhập dành cho các em học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt

Tại Hoa Kỳ, bộ luật về người khuyết tật IDEA (Individuals with Disabilities Education Improvement Act) có qui định về chương trình Giáo Dục Đặc Biệt dành cho những trẻ em khuyết tật phải phù hợp với từng cá nhân và tùy thuộc nhu cầu và khả năng của từng em, nhằm giúp các em có thể phát triển tốt nhất trong một môi trường giáo dục ít hạn chế. Điều này có nghĩa rằng, nhiều trẻ khuyết tật nhẹ và vừa được học chung với những bạn không khuyết tật trong những lớp học bình thường, có quyền hòa chung vào cộng đồng nhỏ tại trường, và cộng đồng lớn là xã hội. Đây được gọi là Giáo Dục Hội Nhập (Mainstreaming).


Cô giáo Dawn (Trần) Galazyn (bên trái) đang hướng dẫn một giáo viên cách dạy học sinh khuyết tật tại trường học dành cho các em khuyết tật thuộc dòng tu Nữ Tử Bác Ái tại Buôn Mê Thuột trong lần cô về làm thiện nguyện tại Việt Nam năm 2010. (Hình do Dawn (Trần) Galazyn cung cấp)

Giải thích về hình thức này, Cô giáo Dawn (Trần) Galazyn nói, “Trong các trường công lập tại Hoa Kỳ luôn có lớp Giáo Dục Đặc Biệt. Tùy theo trong trường lớn hay trường nhỏ sẽ có ít lớp hay nhiều lớp. Vì có bằng chứng cho thấy rằng những học sinh khuyết tật nhẹ và trung bình khi được học trong các hệ thống giáo dục tách biệt thường không có được những thuận lợi về việc học tập.

Khi được học hội nhập, hành vi xã hội của các học sinh khuyết tật sẽ trở nên tương tự như những bạn đồng học không khuyết tật. Ngoài ra, các học sinh không khuyết tật cũng có thể có lợi từ việc bố trí học như thế do việc gia tăng sự hiểu biết và nhạy cảm đối với những khác biệt cá nhân mà vẫn không làm mất đi thành quả học tập. Những học sinh chương trình Giáo Dục Đặc Biệt được học trong lớp học bình thường luôn có kèm theo các chăm sóc phụ trợ chẳng hạn như một giáo viên phụ đạo hoặc giáo viên lưu động sẽ thực hiện giúp học sinh đó ngoài giáo viên chính của lớp học thường. “Nếu học trong lớp thường mà em vẫn không theo kịp chương trình, thì lúc đó mới chuyển em qua lớp học Giáo Dục Đặc Biệt ngay trong trường.”

Cách dạy

Cô giáo Dawn (Trần) Galazyn nêu ví dụ như cô dạy toán lớp 7, nhưng khi dạy cho các em trong lớp Giáo Dục Đặc Biệt dạy chậm hơn lớp 7 của các học sinh lớp thường, các em chỉ học 2/3 tiêu chuẩn của lớp thường, và 1/3 sẽ học tiếp trong năm lớp 8.

Còn với môn khoa học, nhiều khi cô giáo dạy lớp thường giảng bài nhanh quá, chỉ nói thôi, không dùng những giáo cụ để minh họa, nên các em phải vào học lớp Giáo Dục Đặc Biệt, vì giáo viên lớp này vừa giảng, vừa dùng hình ảnh minh họa, dùng nhiều phương pháp giúp các em tác động các giác quan tiếp thu bài học. Các giáo viên Giáo Dục Đặc Biệt phải có sự sáng tạo để tạo ra các giáo cụ trực quan, vì mỗi em có nhu cầu khác nhau.

Cô Galazyn chia sẻ, “Những em học lớp đặc biệt, một số em sẽ không ngồi tập trung học được, giáo viên phải tập cho các em tập trung, ví dụ đặt đồng hồ báo thức cho các em ngồi được 5 phút rồi thì cho em đó được nghỉ. Tôi dạy theo tiết học, mỗi tiết học dài 50 phút, đa số học sinh lớp đặc biệt không thể tập trung suốt 50 phút, nên mỗi 20 phút, tôi cho các em đứng dậy đi 1 vòng trong lớp học, tập hít thở để cho máu huyết lưu thông, rồi trở lại học tiếp. Vì cũng có phụ giáo, nên tôi chia các em ra nhóm nhỏ hơn (lớp Giáo Dục Đặc Biệt với các em nhẹ thì có 1 phụ giáo, các em nặng thì lớp có 2-3 phụ giáo, hoặc có em cần có 1 người đi theo cả ngày).

Riêng về các bài kiểm tra, cô giáo Galazyn nói trước đây khi cô dạy chưa có Tiêu Chuẩn Tiểu Bang Common Core, thì những bài test dành cho các học sinh Giáo Dục Đặc Biệt được giản lược bớt, thay vì là câu dài, thì sẽ là câu ngắn, vẫn hỏi các em những tiêu chuẩn như lớp thường, nhưng câu hỏi sẽ ngắn gọn lại, dễ đọc, dễ hiểu hơn. Nhưng khi bắt đầu chương trình Tiêu Chuẩn Tiểu Bang Common Core khoảng 2-3 năm nay thì các bài test cho các em cũng như lớp thường, tuy nhiên tất cả các bài test này cho phép các em chọn nút trợ giúp trên computer. Ví dụ các em đọc không được thì chọn trợ giúp để được nghe đọc lên câu hỏi hay bài thi đó để các em nghe được hiểu để làm. Còn bài toán thì các em có thể dùng máy tính để trợ giúp, còn những em lớp thường thì không được dùng máy tính.

Cô Galazyn tâm sự, “Có một số học sinh của lớp tôi dạy, sau khi học xong trung học, các em ghi danh học nghề, như make up, em nào có tài về họa thì làm ngành nghề gì đó liên quan đến art. Có vài em học sinh quay về trường thăm tôi cho biết đang học đại học cộng đồng những chương trình căn bản trong hai năm đầu của đại học, nhưng theo tôi biết phần lớn các em học trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt sau khi hoàn tất bậc trung học, chuyển sang học nghề, vì nhiều em luôn mang mặc cảm mình không bình thường như các bạn khác.

Nỗi niềm của giáo viên dạy Giáo Dục Đặc Biệt

Cô giáo Galazyn bày tỏ, “Đa số các em học có tiến bộ, thì tôi rất vui. Khi càng dạy lâu thì càng thích dạy cho các em hơn, nhưng trong Giáo Dục Đặc Biệt vẫn có những khó khăn cho các giáo viên, một trong những sự khó khăn đó là về giấy tờ. Vì trong giáo dục đặc biệt có rất nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp. Luật về người khuyết tật IDEA yêu cầu các trường công lập tại Hoa Kỳ phải soạn thảo chương trình Giáo dục Cá nhân (Individualized Education Plan (IEP)) cho mỗi học sinh nếu các em vào học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt.

Hiệu trưởng, giáo viên, chuyên viên, và phụ huynh là những thành viên của hội đồng Giáo dục Cá nhân IEP.

Chương trình này được xem là hồ sơ được pháp luật bảo vệ, là bản khế ước giữa chính quyền qua đại diện là nhà trường và nhóm chuyên viên Giáo Dục Đặc Biệt với phụ huynh. Bộ hồ sơ này có những điểm chính yếu như thông tin cá nhân, trình độ hiện tại, kết quả đánh giá nếu có, ý kiến đánh giá của giáo viên và chuyên viên, mục tiêu giảng dạy, các dịch vụ sẽ cung cấp cùng thời lượng, nơi chốn. Bản khế ước này có giá trị ngay khi phụ huynh của học sinh bày tỏ đồng thuận qua việc ký tên chính thức.

Chương trình giáo dục cá nhân, với những dịch vụ hỗ trợ, can thiệp, dạy riêng phải được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Khi học sinh không có mặt tại trường vì lý do chính đáng (sức khỏe, hay ngay cả khi bị phạt cấm túc tại nhà trên 10 ngày), nhà trường phải gửi giáo viên và chuyên viên đến nhà (dù thời lượng sẽ ít hơn những gì đã định trong hồ sơ giáo dục cá nhân).”

Dawn (Trần) Galazyn nói, “Tài liệu Giáo dục Cá nhân (IEP) của mỗi em học sinh có khoảng 20- 30 trang. Mỗi em có rất nhiều mục tiêu cần đạt được trong năm học, như mục tiêu môn toán, môn văn, kỹ năng sống. Các giáo viên dạy các em học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt phải cùng với phụ huynh của em đưa ra những mục tiêu về học tập. Ví dụ có em học lớp 7 rồi mà chưa biết làm tính chia hay tính nhân, thì mục tiêu năm học này là các em phải biết tính nhân. Giáo viên Giáo Dục Đặc Biệt khi dạy phải có 2 phần, 1 phần là dạy để đạt được mục tiêu của em đó, phần thứ 2 là dạy chương trình của tiểu bang.

Trong mọi lĩnh vực, mỗi em có yếu điểm gì thì người giáo viên phải đưa ra mục tiêu, rồi theo dõi quá trình các em thực hiện để đạt mục tiêu. Có một số em không đạt được mục tiêu, thì có những phụ huynh họ thông cảm, họ biết con họ ra sao, họ thông cảm cho giáo viên, thì rất dễ với giáo viên. Nhưng có một số phụ huynh sẽ không chấp nhận con họ có sự khó khăn để đạt các mục tiêu, nên khi cô giáo đưa ra những mục tiêu học sinh đó có thể đạt được, thì phụ huynh lại không đồng ý, cho rằng con của mình có thể đạt được nhiều hơn nữa, nên có sự bất đồng ý kiến giữa giáo viên, trường học với phụ huynh. Hoặc một số phụ huynh nghĩ rằng con họ không nên ở trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, họ muốn con họ học chung chương trình như với các bạn bình thường, nhưng khi vào học lớp bình thường thì con họ lại không theo kịp các bạn, bị điểm xấu.”

Galazyn kể, “Có một số phụ huynh đòi hỏi những dịch vụ của học khu phải trả tiền. Vì theo luật thì chính phủ sẽ trả tiền cho các dịch vụ của Giáo Dục Đặc Biệt giúp các em khuyết tật càng nhiều càng tốt. Cho nên có nhiều phụ huynh sẽ yêu cầu những dịch vụ không cần thiết với mấy em, họ sẽ mang luật sư chuyên về luật Giáo Dục Đặc Biệt đến trường, để họp với nhà trường, với giáo viên dạy con họ. Trong những buổi họp như vậy, với những phụ huynh khó khăn, có khi có đến 15- 16 thành viên để họp với phụ huynh và luật sư của phụ huynh cùng luật sư của nhà trường.

Chẳng hạn có một học sinh tuy cũng có sự khó khăn, nhưng nếu so với các bạn khác thì học sinh này vẫn không kém lắm trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt. Nhưng phụ huynh của em lại muốn gửi em học trường tư để dạy kiểu 1 thầy 1 trò và học khu phải trả tiền. Em này trong lớp Giáo Dục Đặc Biệt có tiến bộ, nhưng phụ huynh lại nói không có tiến bộ, phụ huynh mời luật sư đến. Luật sư của phụ huynh sẽ nói tại sao không đạt mục tiêu, cách giáo viên dạy thế nào mà vẫn không đạt mục tiêu, luật sư sẽ yêu cầu nhà trường cho em đi học chương trình tư, chỉ 1 thầy 1 trò mà nhà trường phải trả tiền đó.

Tôi rất thông cảm với phụ huynh, khi thấy con mình có sự khó khăn trong học tập, luôn muốn con mình phát triển bình thường như những trẻ khác, học giỏi. Nhiều khi cha mẹ không chịu chấp nhận được là con mình khác với những học sinh khác, họ sẽ tìm mọi cách để con họ được những dịch vụ tốt nhất giúp con họ. Nhưng chỉ có vấn đề là khi cha mẹ cho rằng con mình làm được điều này, nhưng trong trường thì em lại không làm được, cho nên có sự khác biệt giữa cái nhìn của cha mẹ và nhà trường, giáo viên, xảy ra mâu thuẫn.”

Theo cô Galazyn khi có những buổi họp như vậy, thường rất là căng thẳng, nhiều khi giáo viên bị stress, vì giáo viên là người chính có mặt trong buổi họp này. Mỗi lần có cuộc họp thì huy động cả một nhóm nhân viên, giáo viên của nhà trường và luật sư, nhưng giáo viên phải chuẩn bị nhiều các tài liệu, những bằng chứng, giấy tờ về em học sinh đó, để đưa ra trong cuộc họp. Những buổi họp này thường diễn ra sau giờ học chính tại nhà trường, thường có khi từ 3 giờ kéo dài 5 giờ. Có nhiều buổi họp gồm 5, 6 phần, tốn rất nhiều thời gian và căng thẳng.

Cô Dawn (Trần) Galazyn bày tỏ, “Không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều giáo viên trong chương trình Giáo Dục Đặc Biệt không thích mất nhiều thời gian vào các cuộc họp như thế. Khiến chúng tôi bớt yêu nghề. So với giáo viên dạy lớp thường, thì giáo viên chương trình Giáo Dục Đặc Biệt đổi nghề hoặc bỏ nghề rất đông. Cách nay hai năm, tôi có đọc một thống kê cho biết trong 5 năm đầu dạy học, có một phần tư giáo viên chương trình Giáo Dục Đặc Biệt sẽ bỏ nghề, do những phiền não về các cuộc họp kiện cáo của phụ huynh, chuẩn bị những giấy tờ cho các cuộc họp này, khiến giáo viên rất mệt mõi. Những buổi họp này ngoài giờ làm việc, nhưng không bao giờ được trả lương. Khi lên lớp dạy, giáo viên đặc biệt phải chuẩn bị giáo án để dạy cho các em, sau khi các em về nhà, giáo viên phải soạn bài, ghi những giấy tờ về chương trình giáo dục cá nhân của mỗi em, khi có cuộc họp với phụ huynh, lại phải chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ cho buổi họp, tốn rất nhiều thời gian.”

Galazyn cho biết, “Mấy em học Giáo Dục Đặc Biệt từ lớp 7 đến lớp 12, theo luật thì bắt buột giáo viên phải họp với phụ huynh ít nhất 1 lần, còn với lớp thường, những em học từ lớp 7 đến lớp 12 giáo viên không phải họp với từng phụ huynh, mà chỉ có buổi họp chung sau ngày khai giảng (back-to-school night) và ngày gần kết thúc năm học (open house), trừ phi em nào có vấn đề gì đặc biệt như học yếu quá, trốn học nhiều ngày, trong lớp quậy phá… thì giáo viên mới mời phụ huynh lên họp thôi.

Còn những em học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt thì mỗi năm ít nhất phải họp một lần giữa giáo viên với từng phụ huynh giống như các em học tiểu học. Tùy theo ngày em đó được nhận vô chương trình Giáo Dục Đặc Biệt. Có em vào học từ tháng 3, thì trong niên học đó, trước tháng 3 năm sau phải có buổi họp. Ngoài ra phụ huynh còn có quyền đề nghị cuộc họp với giáo viên lúc nào cũng được.

Thành ra có những phụ huynh mỗi tháng đều hẹn họp với giáo viên 1 lần. Các phụ huynh có con học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt có rất nhiều quyền lợi cho con của họ. Khi giáo viên đưa ra mục tiêu gì cho học sinh, mà phụ huynh không đồng ý thì giáo viên cũng không được áp dụng với em đó.”

Cô Dawn (Trần) Galazyn cho rằng những em học chương trình Giáo Dục Đặc Biệt có rất nhiều quyền lợi. Đây cũng là điều hay. Nhưng nếu phụ huynh thông cảm với giáo viên thì tốt hơn. Vì ngày nào cũng dạy em đó, giáo viên gần với các em nhiều, còn phụ huynh có thể không biết rõ khả năng của con mình, không chịu hợp tác với nhà trường, giáo viên, thì người giáo viên càng mệt mỏi hơn.

Cô nói: “Nhiều khi giáo viên luôn muốn làm điều gì đó tốt nhất cho học sinh, nhưng đôi khi có phụ huynh lại cho rằng giáo viên không giúp con họ một cách tốt nhất, tôi cảm thấy như là 2 bên mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra thì cả 2 bên đều muốn điều tốt nhất cho em học sinh đó. Nếu vì hiểu lầm mà gây sự khó khăn cho giáo viên và nhà trường, thì thật đáng tiếc vô cùng.

(Còn tiếp)

http://www.viendongdaily.com/tinh-thuong-yeu-tre-khuyet-tat-cua-co-giao-dawn-tran-galazyn-day-chuong-trinh-h2WGe0BP.html


Bài liên quan:

Tình thương yêu trẻ khuyết tật của cô giáo Dawn (Trần) Galazyn dạy chương trình Giáo Dục Đặc Biệt (kỳ 1)

Học sinh gốc Việt được chọn lãnh giải “Every Student Succeeding Award 2016” của Học Khu Fountain Valley