Michael Bùi/Treonline.com USA

(Bài đọc trong buổi Hội thảo "Bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ gìn tiếng Việt" ở Hà Nội, VN vào ngày 14/09/2011).

Kính thưa quý vị lãnh đạo
Kính thưa Ủy Ban Nhà Nước Về Người Việt Nam Ở Nước Ngoài
Kính thưa quý tổng biên tập
Kính thưa toàn thể các vị đại biểu, các nhà khoa học, học giả…

Tôi là Bùi Michael sinh ra trên quê hương miền đông đất đỏ - quê hương người anh hùng Võ Thị Sáu. Tôi rời Việt Nam lúc khoảng 10 tuổi. Lớn lên và trưởng thành nơi xứ cờ Hoa và trong cộng đồng người Việt cho đến nay. Nay có cơ hội trước các vị lãnh đạo và giới truyền thông, tôi rất tự hào để được chia sẻ những nhận định và suy nghĩ của mình.

Làm thế nào để bảo tồn văn hóa và giữ gìn tiếng Việt nơi xứ người. Theo kinh nghiệm mà chính tôi đã đi qua, làm thế nào mà tôi vẫn còn nói và viết được tiếng Việt? Tôi xin trả lời ngắn gọn là tôi đã đọc được rất nhiều sách vở và báo chí tiếng Việt trong 30 năm qua.

Những phương thức thường để trau dồi tiếng Việt và thu thập thông tin hàng ngày của phần đông người Việt xa xứ, thứ nhất, là đọc báo giấy miễn phí được phân phát tại các cửa tiệm Việt Nam trong cộng đồng. Số lượng báo giấy miễn phí này có gần 150 tờ tại Hoa kỳ, nhưng có khoảng 140 tờ là do những nhóm tiêu cực làm chủ. Độc giả của báo giấy miễn phí hiện nay phần đông là những người lớn tuổi và một số ít ở 25 tuổi trở lên.

Thứ hai là xem TV Việt nam, số lượng TV Việt Nam khoản có 5 đài lớn nhỏ mới được thành lập trong thời gian gần đây. Mức độ phát sóng của cả 5 đài không đến 15% trên tổng dân số người Việt ở toàn quốc Hoa kỳ. Một vài đài TV Việt nam lớn vẫn theo đường lối tiêu cực và một vài đài TV còn lại cũng không dám thẳng thắn trong việc đưa tin trong nước. Khán giả xem TV thì đủ trạng tuổi tùy thuộc vào chương trình và sở thích của mọi lứa tuổi. Cước phí để xem trên 50 đô la hàng tháng.

Thứ ba là lên những trang mạng Việt nam trong và ngoài nước, số lượng những trang mạng tại Hoa kỳ mà có đầy đủ thông tin thì không quá 30 trang. Độc giả của hệ thống mạng phần đông là lớp trẻ và dưới 40 tuổi. Thành phần này thường đọc và xem thông tin trong nước về các mục giải trí.

Thứ tư là nghe Radio, nhưng số lượng Radio rất ít và chỉ có một vài nơi có rất đông số lượng người Việt sinh sống, như Cali, Texas, Virginia…

 

Người Việt Nam định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới, ai ai cũng phải chăm chỉ học tập ngôn ngữ của các nước sở tại khi mới đến. Để có thể giao tiếp được ngôn ngữ thứ hai thì cần phải siêng năng học tâp lâu dài. Nhưng phần đông những người đi định cư nước ngoài thì không mấy người giàu có, cho nên khi đặt chân đến các nước sở tại phải tập trung hết sức vào công việc mưu sinh. Thời gian học tập không có là bao nhiêu. Để thông thạo cho việc đọc báo hay xem Tivi bằng ngôn ngữ nước sở tại là một việc khó khăn. Đối với một người lao động bình thường muốn có khả năng biết sử dụng vi tính để cập nhật thông tin thì cần phải có người dạy. Nhưng thời gian làm việc còn chưa đủ thì thời gian đâu mà đi học, và nếu có thời gian đi học thì phải cần thông thạo ngôn ngữ nước sở tại, nhiều khó khăn vây quanh. Ngay nếu ai đó đã học ngôn ngữ thứ hai trước ở Việt Nam, khi đến nước sở tại thì chắc rằng vấn đề giao tiếp và nghe hiểu sẽ mất nhiều thời gian mới thông thạo được. Tóm lại có khoản 80% bà con hải ngoại thu thập thông tin qua hệ thống báo giấy miễn phí. Báo giấy miễn phí không cần tính cách chuyên nghiệp và đầu tư lớn rất dễ cho những ai muốn tự mình trở thành nhà báo mà không cần nghĩ đến vấn đề chất lượng.

Nỗi buồn chung và sự trăn trở từ lâu của kiều bào ta là việc thiếu thông tin thiết thực tại hải ngoại, những thông tin thiết thực chưa truyền tải được đến người Việt ở nước ngoài đặc biệt là Hoa kỳ. Vì vậy, nhu cầu đài truyền hình và báo chí cho người Việt Nam ở Nước Ngoài, theo tôi đây là vấn đề cấp bách và bắt buộc, để còn hy vọng bảo tồn văn hóa và giữ gìn tiếng Việt.

Nếu những thông tin chính xác, thiết thực, không bị xuyên tạc… vẫn còn thiếu trong cộng đồng người Việt hải ngoại thì việc bảo tồn văn hóa, gìn giữ tiếng Việt vẫn là vấn đề nan giải? Nếu có được giới Báo chí truyền thông tiếng Việt chân chính ở hải ngoại để đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam, giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng, theo tôi thì Nhà nước cần hổ trợ nhiều hơn nữa. Đối bà con hải ngoại, việc vừa phải sẵn sàng hòa nhập với nền văn hóa sở tại, vừa không để đánh mất đi bản sắc quê hương không hề dễ dàng chút nào.

Các thế hệ người Việt Nam xa xứ luôn quan tâm đến việc dạy học tiếng Việt và gìn giữ bản sắc văn hóa cho thế hệ hậu duệ nhưng ở rất nhiều nơi không có trường dạy tiếng Việt và bậc cha mẹ cũng quá bận bịu với công việc, và chính họ cũng đã quên dần tiếng Việt. Do vậy, báo chí truyền thông tiếng Việt trước hết phải là tờ báo “trong sáng”, phải định hướng rõ ràng, phải tuyên truyền, giáo dục, khích lệ tinh thần yêu bản sắc văn hóa dân tộc, yêu tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng hải ngoại, thay vì chỉ lo việc tranh luận về chính kiến và đánh phá lẫn nhau.

Bản thân tôi sống ở Mỹ trên 30 năm, cũng rất vui mừng khi những ngày lễ, Tết, giỗ chạp, hội hè… vẫn được những hội đoàn người Việt tổ chức và duy trì. Bên cạnh đó, một số ít trường Việt ngữ đã được thành lập chỉ tại các bang có đông người Việt sinh sống... Tuy nhiên, vẫn còn quá ít đối với số lượng thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ. Bao thế hệ trẻ đã bị giới hạn và mất đi cơ hội tiếp cận về ngôn ngữ và văn hóa nước nhà. Nếu có sự hình thành và phát huy chương trình Việt học phong phú sẽ giúp cho thế hệ trẻ Việt Mỹ học hỏi về cội nguồn, đó có thể xem như việc đầu tư có lợi nhuận cao cho cả dân tộc.

Gần đây nhờ sự ra đời của Nghị Quyết 36, có thể thấy, sự lớn mạnh, thâm nhập tiếng Việt và văn hóa Việt tại cộng đồng hải ngoại có nhiều tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa Việt trong các thế hệ người Việt trẻ hải ngoại là vô cùng quan trọng không thể chậm trễ được. Biết nói tiếng Việt là gắn kết tình cảm quê hương, dân tộc trong lòng mỗi người con xa xứ, từ đó sẽ khích lệ họ trở về đóng góp xây dựng quê hương đất nước.

Tôi thiết nghĩ, nếu báo chí và truyền thông tiếng Việt tác động tích cực hơn, trường dạy tiếng Việt ở hải ngoại được mở nhiều hơn, nội dung phong phú, bao quát hơn, chắc chắn, các thế hệ trẻ người Việt hải ngoại sẽ nói và viết được tiếng Việt đủ và trọn vẹn. Từ đó giúp các em hiểu được văn hóa và lịch sử cội nguồn dân tộc.

Khi có một tờ báo, một kênh truyền hình tiếng Việt trong sáng tại hải ngoại, thì không những góp phần bảo tồn văn hóa, giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại mà còn ngăn chặn lối tuyên truyền đi ngược với lợi ích và chủ trương đại đoàn kết của đất nước. Nhiều người như chúng tôi muốn làm điều ấy, nhưng không đủ phương tiện để phá bức tường lửa của các tờ báo tuyên truyền một chiều. Việc này, cần có sự tham dự tích cực của báo chí truyền thông tiếng Việt trong và ngoài nước.

Nếu những thông tin thiết thực được mang đến cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nó sẽ tạo ra được sự hưởng ứng của đại đa số người Việt yêu nước đã sống âm thầm trong cộng đồng từ nhiều năm nay do sự khống chế của hệ thống thông tin từ phe nhóm chống đối. Đại đa số những người sống âm thầm này không chỉ có thể đóng góp chất xám và những công cụ phát triển nhanh chóng cho quê hương mà còn góp phần rất quan trọng và lợi thế trong lĩnh vực chính trị đối ngoại cho đất nước hiện nay.

Chúng ta có trên 4 triệu bà con Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trên 100 quốc gia khác nhau trên thế giới, riêng Hoa kỳ có số lượng đông nhất chiếm 50% trong tổng số, tiếp theo là Úc và Canada chiếm 25%. Số còn lại 25% ở 97 nước khác nhau. Theo thống kê là chúng ta có khoảng 500 ngàn kiều bào về thăm quê hương hay làm ăn hàng năm. Trong khi chúng ta có trên 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Tức là 1/8 của số người Việt ở nước ngoài về nước hàng năm. Câu hỏi có thể đặt ra là tại sao lại không là 1/4 hay là phân nửa số kiều bào về thăm quê hương và làm ăn? Theo sự hiểu biết và thăm dò của tôi trong 30 năm sống chung với các cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ, tôi nhận thấy có vài nguyên nhân sau:

Nguyên nhân thứ nhất là do một số ít những người có mặc cảm và định kiến với chính sách nhà nước Việt Nam lúc xưa. Số ít người này đã tác động những bất đồng chính kiến đến nhiều thành phần yêu nước trong các cộng đồng và gây nên chia rẽ trong cộng đồng từ nhiều năm qua. Nhiều người muốn về thăm quê hương và góp sức cho đất nước nhưng sợ bị chụp mũ là “tiếp tay cho cộng sản” …..

Nguyên nhân thứ hai mà còn nhiều bà con mình chưa về VN thăm quê hay làm ăn, là do một số bà con qua đến đất nước mới, do thiếu khả năng ngôn ngữ và không có cơ hội được giúp đỡ về hội nhập và tiếp cận để phát triển kinh tế. Hiện tại có rất ít những tổ chức cộng đồng xin được những quỹ hỗ trợ công cộng từ chính phủ nước sở tại, để thành lập các trường đào tạo nghề nghiệp hay dạy ngôn ngữ, nên còn số khá đông người Việt làm những nghề không đòi hỏi nhiều kỹ năng, lương bổng còn thấp.

Nếu chúng ta thay đổi được những khó khăn vừa nêu trên, tôi tin rằng số lượng kiều bào về nước hàng năm có thể lên đến 1 triệu hoặc 2 triệu người thay vì hiện nay là 5 trăm ngàn. Con số trên 7 tỷ USD kiều hối hiện nay có thể nhân gấp 2 hoặc gấp 4 lần, và số lượng chất xám về giúp đất nước sẽ tăng theo cùng tỷ số. Đặc biệt là có nhiều người Việt sẽ góp sức giúp nâng cao mối quan hệ cũng như liên hệ giữa Việt Nam và Hoa kỳ. Sức mạnh đó rất cần thiết cho đất nước trong tình thế phức tạp của khu vực và thế giới hiện nay. Và có thể nói Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong tiến trình quan hệ chiến lược Việt-Mỹ trong tương lai.

Cộng đồng người Việt Nam ở Hoa kỳ gần như không có cơ quan người Việt đại diện trong cộng đồng. Họ sống theo pháp luật của chính phủ nước sở tại. Giữa người Việt và người Việt không có cơ chế ràng buộc, cho nên, không cộng đồng nào trực thuộc cộng đồng nào. Riêng người Việt ở Hoa kỳ có hàng trăm cộng đồng người Việt khác nhau, các cộng đồng sinh hoạt cách thức khác nhau, định kiến khác nhau, không ai trên không ai dưới. Mỗi ông chủ tịch cộng đồng là mỗi ông trùm khác nhau. Vì thế vừa qua Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn - có gửi thư ngỏ ý đối thoại trực tiếp với cộng đồng người Việt ở Hoa kỳ. Như tôi vừa nói, cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ không có đại diện cho nên việc đối thoại trực tiếp chưa được đáp ứng được cũng là hợp lý.

Trong lịch sử gần đây đất nước chúng ta phải đi qua một quá khứ đau lòng nhiều hy sinh chết chóc để có ngày hôm nay. Nay ta đã thống nhất hòa bình độc lập tự do dân chủ, vì vậy chúng ta cùng nhau góp phần phát triển nhanh chóng để đi cùng tiến độ phát triển với nhân loại. Trên ba mươi năm qua, những nước từng là kẻ thù với ta như Mỹ, Nhật, Pháp, nay cũng trở thành nước bạn bè hữu nghị làm ăn cùng nhau hợp tác, về kinh tế, chính trị, quân sự v.v.. những việc làm khéo léo đó là do những người chính trị tài ba làm nên, tôi thấy đáng cảm phục.

Tôi thiết nghĩ, chúng ta còn một việc nữa cần làm đó là phải có giải pháp mới để đi đến đại đoàn kết trong và ngoài nước. Chúng ta cần phải xoa dịu vết thương lòng trong những năm chiến tranh. Là người dân Việt, ai cũng có lòng với đất nước quê hương, đó là văn hóa và là truyền thống của dân tộc.

Nếu nhìn một cách khách quan thì nhiều người thanh niên Việt nam mới lớn đã đi theo chế độ cộng hòa năm xưa cũng do hoàn cảnh và sự kiện chính trị. Hiện tại cho thấy những người này có phần uất tiết trong lòng. Khi họ lớn lên chỉ biết đi theo tiếng gọi nghĩa vụ công dân vào quân ngũ chiến đấu cũng không rõ đâu là chính nghĩa. Và sau chiến tranh chấm dứt, nhìn lại không ngờ chỉ thấy một đời hoang uổng, những năm tháng dài cải tạo đã tình cờ đưa tới một số người bị rối loạn tâm thần, cơ thể suy nhược, một tinh thần chán nản tuyệt vọng. Hờn giận với chính quyền bản xứ đã bỏ rơi họ trong chiến tuyến trước đây. Rồi trong tâm trạng họ xuất hiện những mặc cảm. Tôi cho đây là căn bệnh trầm kha do sự kiện lịch sử để lại, không khác gì căn bệnh do chất độc da cam đã gây nên. Tôi thiết nghĩ nếu chúng ta thấu đáo được triệu chứng thì hy vọng sẽ chữa trị được căn bệnh trầm kha đó. Vì thế cần có những giải pháp để xoa dịu để làm lành những vết thương mà cùng nhau cảm thông, hòa hợp để sớm đi đến đại đoàn kết dân tộc.

Chúng tôi mong rằng nhà nước cần hổ trợ mạnh mẽ hơn cho các cơ quan đối ngoại để họ có khả năng phối hợp với các báo chí ngoài nước nếu có thể hổ trợ kênh TV chân chính tại Hoa kỳ có tầm phát sóng rộng cả nước Mỹ để đẩy mạnh các thông tin trong nước vào các cộng đồng người Việt. Đồng thời đặt vấn đề đối thoại trực tiếp với những người có thiện chí để giải quyết các vấn đề bất đồng, khi lợi ích chung được thỏa mãn thì vấn đề sẽ tự giải quyết, và vấn đề ở đây kể cả vấn đề tinh thần không chỉ vật chất mà thôi. Vì vậy, thiết nghĩ chỉ còn có cách là mỗi con dân Việt nam hãy cố gắng vượt qua "rào cản tâm lý", để sớm được giải quyết những ưu tư còn tồn đọng.

Tôi xin nêu lên một thí dụ: Có một người trong nhóm chống đối từng nói với tôi rằng, “nhiều năm qua nỗi đau cá nhân của chú cũng phai dần, nhưng nỗi đau thương linh hồn các anh em đồng đội nằm nơi nghĩa trang Bình Dương mong được sự tôn trọng của nhà nước, chú đây mới được yên lòng.” Đấy cũng là một trong những vấn đề thí dụ để đối thoại (Hoặc là vấn đề 64 chiến sĩ bảo vệ Biển Đảo tử trận tại Hoàng Sa năm 1974).

Nhà nước đã ban hành một số chính sách phù hợp với nguyện vọng của kiều bào, khuyến khích trí thức Việt kiều đem tài năng giúp nước. Những chính sách đó đã thu hút được số kiều bào không có mặc cảm và có cùng nguyện vọng. Nay chúng ta cần có những bước đột phá hơn, để có thể thu hút tất cả thành phần trong và ngoài cho dù là có quan điểm khác nhau, vì lợi ích đất nước dân tộc.

Tôi xin kết thúc bài tham luận với lời tuyên bố của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình:

“Để phát triển đất nước, cần sự đóng góp tích cực của mọi người Việt Nam, trong nước và ngoài nước, không phân biệt quan điểm hay chính kiến”.

Xin Trân Trọng,

Michael Bùi

(Tổng Biên Tập "Treonline.com") 


 

SMCĐ đã sửa lại một vài lỗi chính tả, dấu ngã dấu hỏi từ bản chính, và "highlight" một vài điều đáng suy gẫm.

Mời xem Michael Bùi đọc bài tham luận trên Phố Bolsa TV