SMCĐ 27/1/2012: Chúng tôi hân hạnh thông báo kể từ đầu năm Nhâm Thìn 2012, SMCĐ được phép tác giả Người Long Hồ (NLH), lần lượt đăng tải từng chương của bộ sách Đất Phương Nam gồm 2 cuốn, tổng cộng hơn 1600 trang. Tác giả NLH tên thật là Trần Ngọc, một cựu học sinh Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long. Ông cũng là tác giả của một vài bộ Từ Điển về Phật Học với Pháp Danh Thiện Phúc. Chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt tác giả, chỉ nói chuyện qua điện thoại cho đúng "thủ tục xin/cho". Qua giọng nói, hiền lành và nhẹ nhàng thật hợp với pháp danh Thiện Phúc. "Điều tra" thêm chút nữa mới ngạc nhiên khám phá ra một vài số liệu và sự kiện (facts), xin được chia sẻ để quí độc giả SMCĐ hiểu thêm về tác giả và giá trị của bộ sách. Và cũng xin thông cảm với lối viết của chúng tôi, lúc nào cũng xen vào một chút "bông đùa một chút cho đời bớt khổ":

  • Tác giả là một cựu phi công VNCH, bay bổng khắp 4 vùng chiến thuật, thấy quê hương sao mà đẹp quá, đâm ra muốn viết sách...
  • 1975, đại bàng gãy cánh, thế là vào tù "cải tạo", chúng tôi không dám hỏi là lái máy bay mà sao "dở" vậy. Sau này mới khám phá ra anh là cháu của "Kẻ Sĩ Cuối Cùng", cũng giải thích được phần nào theo suy nghĩ chủ quan của mình...
  • Ra tù, vượt biên sang Hoa-Kỳ năm 1984, tác giả đã bỏ ra hơn 20 năm để tra cứu tham khảo nhiều tài liệu để viết nhiều tác phẩm có giá trị về Phật học, và mới nhất là "Đất Phương Nam".
  • Và đọc kỹ thấy tác giả học hỏi nhiều điều để có dữ liệu hình thành bộ sách từ hai nhân vật, mà một trong 2 vị này -"ông chú Ba"- chính là "Kẻ Sĩ Cuối Cùng" Trần Văn Hương, và hôm nay cũng là ngày giỗ của cụ TVH (mất ngày 27-1-1982)
  • Cư sĩ Thiện Phúc là tác giả nhiều bộ sách về Phật học. SMCĐ xin trích lời của Hòa Thượng Thích Quảng Liên, Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức, Thủ Đức, VN: "Khâm phục vì tác giả vừa đi làm để nuôi sống gia đình nơi đất nước quê người mà không đam mê vật chất nơi chốn phù hoa tiên cảnh, ngược lại dùng những thì giờ nhàn rỗi vàng ngọc, tập trung tư tưởng, đại sự nhân duyên, vì tương lai Phật Giáo, sưu tầm, nghiên cứu Kinh điển bằng nhiều thứ tiếng, và biên soạn có khoa học hoàn thành cuốn Ðại Từ Ðiển Vietnamese-English—English-Vietnamese Buddhist Dictionary".
  • Méo mó nghề nghiệp kỹ-sư là "sư-tính-kỹ", photocopy cũng 5 xu một trang, 5 xu x 1600 trang = $80 Mỹ kim. Mà bộ sách để bán chỉ có $60 - Đúng là "tạo dựng công đức"!!!
  • Thiết nghĩ, là người Nam nên có một bộ "Đất Phương Nam" trong thư-viện gia đình để đọc và thấy được cái lịch-sử hào hùng của tiền nhân trong chương trình "Nam tiến", tạo dựng ra "đất phương Nam". Người miền Trung và miền Bắc thì cũng nên có một bộ ĐPN vì đọc qua sẽ thấy người miền Nam thì phần lớn là gốc người miền Trung, miền Bắc vào lập nghiệp. SMCĐ mới lướt sơ sơ qua bộ sách, chưa có thời gian đọc hết, nên chỉ kết luận chủ quan phiến diện, mong độc giả rộng lượng tha thứ nếu có gì thiếu sót...

Hình bìa sách cuốn 1 Hình bìa sách cuốn 2

Chúng tôi không đủ chữ nghĩa để diễn tả cái công phu của tác giả dành cho bộ sách này mà chúng tôi xem như là một bộ biên khảo quí giá. Tốt hơn hết, xin phép đăng lại Lời Giới Thiệu của Gs. Ts. Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Văn Hóa và Thanh Niên VNCH:


Lời Giới Thiệu của Gs. Ts. Nguyễn Thanh Liêm

Tác giả Người Long Hồ vừa hoàn tất một tác phẩm khá vĩ đại về vùng đất và con người của Miền Nam Việt Nam. Tác giả đã chọn một nhan đề rất ý nghĩa là Đất Phương Nam cho tác phẩm nầy.

Tác phẩm gồm hai tập, Tập Một có 34 bài từ bài 1 đến bài 34 và Tập Hai 30 bài từ bài 35 đến bài 64, với tất cả hơn 1.600 trang khổ lớn (8 ½"-11"). Đất Phương Nam có thể xem như một loại địa chí, nói về lịch sử hình thành, về vị trí địa dư, về các danh lam thắng cảnh, các đền chùa, lăng miếu, các cù lao, các sông ngòi, kinh rạch, đường sá cầu cống, chiếc phà, chiếc bắc, các khu vườn, mảnh ruộng, các loài cây trái, và nếp sinh hoạt văn hóa xã hội của người dân các tỉnh thành, các vùng đất đặc biệt của Miền Nam Việt Nam từ Phan Thiết đến Cà Mau, từ lúc thành hình hồi thế kỷ thứ XVIII đến bây giờ. Nhưng Đất Phương Nam có phần đầy đủ hơn các địa chí của nho gia như Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức hay Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn chẳng hạn, bởi ngoài phần lịch sử cận đại và hiện đại còn có thêm phần tiền sử và cổ sử liên hệ tới các giống người định cư trên vùng đất Phù Nam, Thủy Chân Lạp, mà nhà nho xưa chưa biết được và chỉ người ngày nay mới biết nhờ ở những công trình khai quật gần đây của các khoa học gia khảo cổ Âu Tây vừa khám phá, và phần quan trọng hơn nữa là phần phát triển, tân tiến hóa các tỉnh thành dưới thời Pháp thuộc cho đến Đệ Nhị Cộng Hòa. Còn nếu so với những công trình biên soạn gần đây về Nam Kỳ Lục Tỉnh, về Văn Minh Miệt Vườn, về Đồng Bằng Sông Cửu Long, hay về các tỉnh Miền Nam của những soạn giả như Sơn Nam, Hứa Hoành, Huỳnh Minh, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Hầu, v.v... thì công trình nghiên cứu, biên soạn của Người Long Hồ cũng có phần đầy đủ hơn cả về bề rộng lẫn bề sâu.

Trừ một số bài tổng quát về Công Nghiệp của các Chúa Nguyễn với vùng Đất Nam Kỳ (bài 1), Đất Phương Nam Theo Dòng Thời Gian (bài 2), Tiến trình Nam Tiến” (bài 3), Thu Phục Champa (bài 4), Vương Quốc Phù Nam (bài 5), Thu Phục Thủy Chân Lạp (bài 6), Cộng Đồng các cư dân bản địa trên đất Nam Kỳ xưa (bài 7), Công ơn của đức Tả Quân Lê văn Duyệt (bài 34), vv... và phần kết luận (bài 64), còn mấy mươi bài còn lại của sách Đất Phương Nam đi vào chi tiết mấy trăm năm lịch sử hình thành và phát triển của từng tỉnh, từng vùng của cả Miền Nam Việt Nam từ khởi điểm Mô Xoài (Bà Rịa) đến các tỉnh Miền Đông rồi Miền Tây Nam Phần, từ Bình Thuận (Phan Thiết) đến tận Mũi Cà Mau. Tuy dưới triều Gia Long và phần đầu của Minh Mạng, Gia Định Trấn chỉ gồm có 5 trấn, và sang phần sau của triều Minh Mạng thì Gia Định Trấn được cải thành Nam Kỳ và chia thành 6 tỉnh (Nam Kỳ Lục Tỉnh), nhưng đến thời Pháp thuộc thì cả Nam Phần Việt Nam (Cochinchine), thuộc địa của Pháp, có đến 21 tỉnh. Sách Đất Phương Nam đề cập đến cả 21 tỉnh, một ít quận quan trọng, một số các địa danh nổi tiếng như Côn Sơn, Phú Quốc, Thất Sơn, những địa danh xưa như Kas Krobei, Prei Nokor, vv... chứ không chỉ nói đến từng vùng hay chỉ những tỉnh lớn thời Minh Mạng. Đọc giả có thể tìm thấy Biên Hòa (bài 13), Cù Lao Phố (bài 14), Bình Long, Phước Long (bài 16), Bình Thuận (bài 17), Bà Rịa (bài 18), Côn Sơn (bài 19), Bình Dương (bài 20), Gia Định (bài 21), Bến Nghé (bài 22), Thủ Đức (bài 24), Tây Ninh (bài 25), Tân An (bài 27), Mộc Hóa (bài 28), Gò Công (bài 29), Sa Đéc (bài 31), Mỹ Tho (bài 40), Bến Tre (bài 41), Vĩnh Long (bài 42), Trà Vinh (bài 43), Cần Thơ (bài 46), Sóc Trăng (bài 48), An Giang (bài 49), Châu Đốc (bài 50), Rạch Giá (bài 54), Phú Quốc (bài 55), Hà Tiên (bài 57), Bạc Liêu (bài 58), Cà Mau (bài 59), Rừng U Minh (bài 61). Ngoài các tỉnh, quận, và một số địa danh quan trọng, tác giả cũng dành nhiều bài viết về các cộng đồng người Minh Hương, người Chăm, người Khmer với những đặc trưng văn hóa và sự đóng góp của họ vào công cuộc phát triển chung của Miền Nam Việt Nam. Thành ra có thể nói về bề rộng, tác phẩm của Người Long Hồ, bao quát hầu hết các vùng đất và con người từ Miền Đông sang Miền Tây Nam Phần từ khi thành hình đến nay, một cách đầy đủ mà trước tác giả chưa có tác giả nào làm được như thế.

Bề rộng đã như thế, bề sâu càng đáng coi trọng hơn. Mỗi bài viết là một công trình sưu khảo đáng kể. Tài liệu dồi dào, nhìn qua bảng liệt kê các sách tham khảo và những chú thích liên hệ tới từng bài trong sách, người đọc cũng có thể thấy được số tài liệu phong phú mà tác giả đã xử dụng trong công cuộc nghiên cứu. Mỗi bài đều đi sâu vào lịch sử xa xưa đến nay, tìm về nguồn gốc của địa danh, sự biến đổi qua các thời đại, đi sâu vào địa lý vào sự cấu tạo của địa chất, đề cập đến mọi khía cạnh sinh hoạt của con người, liên hệ tới văn hóa xã hội của từng thời đại, mô tả đầy đủ núi non, sông ngòi, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, vv... Thí dụ bài 13, Tập I, từ trang 307 đến trang 340, nói về Biên Hòa với nhan đề Từ Vùng Đất Biên Trấn Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai, tác giả đã lần lượt cung ứng cho chúng ta nhiều kiến thức và dự kiện về:

Tổng Quan Về Vùng Biên Hòa Của Xứ Đàng Trong

Cấu tạo Địa Chất Vùng Đồng Nai - Biên Hòa

Những Người Minh Hương Tiên Phong Đi Khai Phá Vùng Nông Nại

Từ Dinh Biên Trấn Đến Trấn Biên Hòa

Từ Trấn Biên Hòa Đến Tỉnh Biên Hòa

Tiến Trình Di Dân Trên Vùng Đất Biên Hòa

Địa Thế, Núi Non Và Khí Hậu Trong Vùng Đất Biên Hòa

Cù Lao Phố Một Thời Vang Bóng

Sông Ngòi Vùng Đồng Nai Biên Hòa

Di Tích Lịch Sử Biên Hòa Danh Lam Thắng Cảnh Biên Hòa

Cây Trái Vùng Đồng Nai - Biên Hòa

Di Tích Khảo Cổ Trên Vùng Đất Đồng Nai - Biên Hòa

Di Tích Gốm Sứ Cổ Trên Vùng Đất Đồng Nai - Biên Hòa

Biên Hòa Qua Các Thời Đại

Tỉnh Đồng Nai Sau Năm 1975 Với phần chú thích thật rõ ràng, trưng dẫn đầy đủ tài liệu, sách báo giá trị.

Qua bề sâu và bề rộng nói chung, đây là một tác phẩm loại biên khảo, rất công phu, rất có giá trị. Càng có giá trị hơn nữa khi nhắm vào đối tượng Miền Nam Việt Nam, vì xưa nay Miền Nam ít được các học giả, các nhà văn hóa, các chính trị gia, các văn nghệ sĩ để ý tới.

Tuy nhiên ở phương diện hình thức, đây không phải là một quyển sách hay nguyên một bộ sách toàn vẹn có thứ tự lớp lang, có bố cục chặc chẽ, với cách trình bày kinh viện như các sách biên khảo, hay sách giáo khoa thường thấy. Đây chỉ là một tập hợp của nhiều bài viết riêng biệt gom hết lại in thành sách, và mỗi bài có thể là một bài độc lập đề cập đến một đề tài nào đó đủ để ấn hành thành một bài báo hay tạp chí. Do đó có thể có những đoạn lập lại từ một bài khác. Ngoài ra, danh từ Nam Bộ thường thấy trong sách có thể không quen tai lắm với nhiều người trong Miền Nam tự do, mặc dầu tiếng Nam Bộ rất được thông dụng ở đây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau nầy thì người dân Miền Nam biết đến hai tiếng Miền Nam nhiều hơn là Nam Bộ. Sau hết vì quá nhiệt tình với quê hương và dân tộc mà đôi khi tác giả không kềm chế được tình cảm cá nhân trong việc phê phán một số các nhân vật lịch sử. Thường thì trong cương vị một nhà biên khảo, tác giả chỉ nên chú trọng vào trong việc trình bày sự thật một cách khách quan, vô tư, hơn là nói lên những nhận xét cá nhân mình về những nhân vật hay sự việc lịch sử. Phần phê phán hãy dành cho người đọc phải hơn.

Tóm lại trừ một vài cái bất thường nho nhỏ, không đáng kể, như vừa trình bày ở trên, quyển "Đất Phương Nam" là một công trình biên khảo to tát, có giá trị đáng kể, rất cần có trong mọi gia đình Việt Nam nếu muốn bảo tồn di sản văn hóa tốt đẹp của cha ông. Xin cảm ơn tác giả Người Long Hồ, đã bỏ bao nhiêu công lao khó nhọc và cả tiền của nữa, để hoàn thành tác phẩm giá trị nầy, và xin cầu chúc tác giả nhiều may mắn, thành công trên đường phụng sự văn hóa nước nhà.

Santa Ana ngày 10 tháng 10 năm 2011

Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm
Cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hòa
Chủ Biên Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai - Cửu Long


SucManhCongDong.net và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào. Quí độc giả có thể email link của bài viết hoặc những PDF's dưới đây đến cho người thân và bạn bè, tuy nhiên xin đừng lưu giữ hay trích đăng lại trên các website khác.

Vì lý do kinh tế nên sách chỉ mới được in năm trăm cuốn dành bán trong nội bộ và không gửi tại các nhà sách nên quí vị nào muốn có sách xin liên lạc với Hội Cựu Học Sinh Tống Phước Hiệp qua số 714.774.4717. Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng email về:

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Chân thành cảm ơn.


Cuốn 1:
  Trang 3-6: Lời Đầu Sách
  Trang 7-10: Lời Giới Thiệu
  Trang 11-12: Đôi dòng về tác giả Người Long Hồ
  Trang 13-14: Mục Lục
  Trang ... (đang làm...)

Cuốn 2:
  Trang 815-816: Mục Lục
  Trang
  Trang
  Trang