Tưởng Năng Tiến 03/2006

Như bao nhiêu đứa bé thơ dại khác, nỗi lo sợ ám ảnh lớn nhất trong tuổi thơ ấu của tôi là những mụ mẹ mìn – những người chuyên môn bắt cóc trẻ con mang bán. Dù khốn nạn và vô lương tâm đến thế, mẹ mìn luôn luôn phải tạo ra vẻ hiền lành, nhân từ và tử tế để có thể làm cái nghề ác độc của mình.

Chuyện mẹ mình trong thế giới trẻ con, chắn chắc, đứa bé nào cũng biết. Chuyện mẹ mìn trong thế giới người lớn, chưa chắc, mọi người đều biết nên bữa nay tôi kể lại – nghe chơi.

Cách đây đã lâu, ngày 25 tháng 1 măm 1999, báo Nhân Dân đăng lại thông cáo của sứ quán của nước CHXHCN Việt Nam tại Mỹ – về việc ông Trần Trường treo cờ búa liềm ở phố Bolsa, thành phố Wesminster — có đoạn như sau:

“Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao và trong năm 1997 đã trao đổi Đại sứ giữa hai nước. Dựa trên tiêu chuẩn ngoại giao, hai nước đã công nhận Quốc kỳ của nhau. Do đó việc trưng bầy hoặc treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở bất cứ nơi nào tại Mỹ là hợp pháp và cần được luật pháp Mỹ bảo vệ. Đại sứ quán Việt nam quan tâm sâu sắc và cực lực phản đối những hành động bạo lực chống lại ông Trần Trường và đòi rằng, quyền bầy tỏ lòng tin cũng như cuộc sống của ông Trần Trường phải được tôn trọng và bảo vệ”.

Hai hôm sau, báo Nhân Dân số ra ngày 27 tháng 1 đăng thêm lời phát biểu của phát ngôn viên bộ ngoại giao VN là: “Chúng tôi cho rằng việc làm của ông Trần Trường cần được các cơ quan pháp luật của Mỹ, đặc biệt là chính quyền sở tại nơi ông Trần Trường sinh sống bảo vệ.” Cũng trên số báo này, người ta thấy có ý kiến của một độc giả ẩn danh (hiện đang sinh sống ở Ontario, Canada) về sự kiện trên: “Việc hành hung ông Trần Trường ở thành phố Los Angeles ngày 17/ 1/99 gây chấn động lương tâm những con người, cả người sống lẫn người chết, đã đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận.”

Người ngoại cuộc, nếu chỉ đọc báo Nhân Dân trong những ngày vừa qua, đều cảm thấy hài lòng về việc làm của nhà nước CHXHCN Việt Nam và yên tâm cho những người Việt đang sống đời lưu lạc. Họ được những người cầm quyền nơi quê mẹ quan tâm một cách thiết tha, và chính họ cũng sẵn sàng lên tiếng bênh vực cho nhau – khi cần.

Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Chỉ một ngày sau, ngày 28 tháng 1 năm 99, qua sự chuyển giao của Web Thông Điệp Xanh, nhiều cơ quan truyền thông nhận được điện thư của Cộng đồng Người Việt Ở Nga. Lá thư “kính báo” về chuyện một người Việt khác, ông Tạ Vân Sơn “đã bị công an thành phố Moscow (Mátxcơva) thủ đô Liên Bang Nga đánh chết tại đồn 67 vào ngày 14 tháng 1 năm 99, để lại vợ và con nhỏ. Phía công an Nga phủ nhận hành động dã man của mình.”

Ông Tạ Vân Sơn bị đánh chết tại nước Nga ba ngày trước khi ông Trần Văn Trường trưng hình ông Hồ Chí Minh ở Hoa Kỳ. Tuy thế, báo Nhân Dân và bộ ngoại giao Việt Nam hoàn toàn giữ thái độ im lặng trước cái chết mang nhiều nghi vấn này.

Thế ông Trần Trường là ai, và chuyện gì đã xẩy ra cho ông ấy khiến cho bộ ngoại giao VN, báo Nhân Dân và độc giả “ẩn danh” của tờ báo này âu lo dữ vậy?

Theo phóng viên Phan Trần Hiếu, ông Trần Trường sinh năm 1960 tại một làng quê nghèo khốn. Gia đình ông di cư từ miền Bắc Việt Nam vào miền Nam lánh nạn cộng sản năm 1954. Hiểm hoạ cộng sản lại lan đến miền Nam, hai mươi mốt năm sau đó, năm 1975. Năm năm sau, năm 1980, khi mà bố mẹ ông Truờng không còn đủ sức để tiếp tục chạy thì ông ta (cùng với anh chị em) đã vượt biển để lánh nạn cộng sản thêm một lần nữa.

Ông Trường đã tìm được tự do ở California, Hoa Kỳ và đã dùng quyền tự do đó để trưng bầy những biểu tượng của cái chế độ đã khiến cho gia đình ông ta (từ thế hệ này đến thế hệ khác ) phải trốn chạy và ly tán. Theo ông Truờng, việc làm của mình mới đích thực có ý nghĩa của sự tự do và ông muốn dậy cho cộng đồng nguời Việt về điều đó. “What I want is to teach my community what real freedom means” – nếu ghi nguyên văn theo phóng viên Phan Trần Hiếu, trong cuốn Roots Of Unrest, do nhật báo The Orange County Register xuất bản năm 1999.

Còn ký giả Rachel Tuinstra (cũng của nhật báo The Orange County Register, số ra ngày 19 tháng 1 năm 1999) đã tường thuật về phản ứng của cộng đồng người Việt, trước chuyện hành sử quyền tự do của ông Trần Trường, như sau:

“Hundred of people, many Vietnamese immigrants, poured into a shopping center Monday to protest a picture of communist leader Ho Chi Minh that had been hung in a video rental store.
By 1 p.m. , as many as 400 people filled the center’s Bolsa Avenue parking lot in Little Saigon, forcing police to close the area off to vehicles, said police Lt. Bill Lewis.

Police convinced Tran Van Truong, 37, the owner of HiTek video store, to close an hour later. As Truong left his store with a police escort, someone hit him in the back of the head. There was no visible injuries, but paramedics took Truong to a hospital and police filed an assault report.”

Xin tạm dịch:

“Hàng trăm người, phần lớn là di dân Việt Nam, đổ xô về một khu thương xá hôm thứ Hai để phản đối một bức hình của lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh treo trong một tiệm cho thuê video. Khoảng 1 giờ trưa, đã có chừng 400 người đến bãi đậu xe của khu Little Saigon khiến cảnh sát phải ngăn không cho xe vào khu vực này nữa, theo lời của trung úy cảnh sát Bill Lewis. Cảnh sát thuyết phục ông Trần Trường, 37 tuổi, đóng cửa tiệm của mình một giờ sau. Ông rời tiệm cùng với một cảnh sát viên, và bị một người nào đó đánh vào đầu. Ông Trường không bị thương tích gì nhưng vẫn được đưa vào bệnh viện và cảnh sát đã làm phúc trình về việc ông bị hành hung.”

Tuy sự việc chỉ có thế thôi nhưng mối quan tâm của nhà nước CHXHCN Việt Nam về việc quyền tự do của ông Trần Văn Trường bị vi phạm vẫn nên được ghi nhận như là một thái độ cần thiết và đáng quí — nếu nó phát xuất từ tấm lòng chân thật.

Sự “chân thật” này đã được dịp đem ra thử thách, không lâu, sau đó. Hôm thứ Sáu ngày 3 tháng 10 năm 2006, Web Tiền Phong Online, có tin “Một Việt Kiều Bị Phong Tỏa Tài Sản Bất Thường”. Xin được trích dẫn vài đoạn chính:

“Ông Trần Văn Trường, sinh sống tại Mỹ 20 năm, là người đã góp phần làm dấy lên tinh thần yêu nước của người Việt trên đất Mỹ bằng việc lập bàn thờ Bác Hồ trong nhà, treo cờ Tổ quốc cho dù bị nhiều kẻ phản đối, đánh đập.

Ông Trần Văn Trường sinh năm 1961 về quê tại ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa (Lai Vung, Đồng Tháp) thành lập doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tân Trường Khanh chuyên nuôi trồng thủy sản với số vốn lên tới 7 tỷ đồng…

Từ tháng 5 đến 10/2005, ông Trường hợp đồng mua thức ăn nuôi cá với ông Nguyễn Văn Dợn ngụ cùng địa phương với tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng…

Ông Trường đã thanh toán cho ông Dợn 409 triệu đồng. Số nợ còn lại, ông Trường cam kết sẽ thanh toán cho ông Dợn đến hết ngày 30/12/2005, sau khi thu hoạch 2 hồ cá.

Tuy nhiên, không hiểu sao chuyện nợ nần của doanh nghiệp Tân Trường Khanh đột nhiên lọt vào “tầm ngắm” của một số cán bộ bảo vệ pháp luật ở địa phương.

Cơ quan thi hành án tỉnh đã phong tỏa tài sản của doanh nghiệp Tân Trường Khanh và giữ số tiền vừa bán cá là 1.054.490.000 đồng.

Ông Trường bức xúc: “Tòa án và cơ quan thi hành án không gửi quyết định kê biên tạm thời cho chúng tôi mà chỉ gửi cho ông Dợn. Khi phong tỏa tài sản chúng tôi không được mời dự…

Ông Võ Hưng Thông — Chủ tịch Hội thân nhân kiều bào tỉnh Đồng Tháp nói: “Việc phong tỏa tài sản khẩn cấp đối với ông Trường là không cần thiết, vì ông này đang làm ăn bình thường, không có dấu hiệu bỏ trốn, lừa đảo...”.

Việc làm trên của một số cán bộ thừa hành pháp luật vô tình làm vẩn đục môi trường đầu tư, trong khi Đảng và Nhà nước đang ra sức kêu gọi Việt kiều về đầu tư, xây dựng đất nước”.

Mai đây, khi trở lại tiếp tục cuộc đời tha phương cầu thực, hy vọng, sẽ có lúc ông Trần Trường hiểu ra sự khác biệt giữa đạo đức thật và đạo đức giả, và “mẹ” với “mẹ mìn”.

Tưởng Năng Tiến