Việt Báo, Phan Kiến Quốc, 26/10/2003

(LTS: Tác giả Phan Kiến Quốc bây giờ chính là tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng. Xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết vào ngày 3/9/2003 của nhà hoạt động dân chủ này.)

"Ngày..., tại một giao lộ thường xuyên kẹt xe nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám đi về hướng Hóc Môn, sau khi nằm chết cứng cả tiếng đồng hồ và hết chịu đựng nổi tình trạng vô trật tự của người đi đường, một người nước ngoài (có lẽ Âu Mỹ) đã ra giữa ngã tư làm công tác của cảnh sát giao thông. Mặt mũi đỏ gay, ông ta quơ tay và gào thét bằng tiếng nước ngoài, ngăn người này, kéo người kia đi để cố tái lập trật tự. Lát sau bà vợ cũng nhảy xuống phụ chồng, tay ôm bóp đầm tay kia vừa phất vừa kéo... Nhưng lượng xe lúc một đông và tình trạng hỗn loạn không hề giảm. Bó tay, cả hai vợ chồng leo lên lề lắc đầu nhìn với cặp mắt chán nản. Nhiều người chạy xe ngang qua cười tỉnh bơ... Cũng là nạn nhân của vụ kẹt xe, tôi chứng kiến từ đầu đến cuối những hình ảnh này và cảm thấy ê chề vì nhục nhã trước những nụ cười vô tư của người mình...".

Trên đây là lá thư trong mục "Bạn đọc viết" đăng trên một nhật báo ở TPHCM. Tác giả có lẽ đã "nóng gà" và sượng chín mặt trước thái độ của người mình. Nói cho cùng, có lẽ đây là tâm lý chung của nhiều người. Nhiều người nhưng không phải đa số, và đó là điều đáng buồn cho đất nước chúng ta ngày hôm nay. Ðại đa số đều nghĩ đến tư lợi, đều giành lấy cái sung sướng cho mình và gia đình, bất kể điều ấy có nguy hại cho người khác hoặc cho cộng đồng...huống hồ gì giữ sĩ diện đối với người nước ngoài.

Và ngày nay điều ấy đầy rẫy ngoài xã hội.

***

Vào tháng 9/2003, cô Jill, một du khách Mỹ và là một chuyên gia của viện Environmental Restoration trong khi đi dạo trong thành phố Huế đã vô cùng kinh ngạc khi người ta đem rao bán một con chim thuộc loại diều hâu. Vốn là một người quan tâm về môi sinh và biết giống này có tên trong Sách Ðỏ Việt Nam (danh sách các loài thú được bảo vệ), cô ta đã bỏ 450 ngàn đồng (30 USD) mua lại con chim và đến tận vườn Quốc Gia Bạch Mã (Huế) để giao lại cho ông giám đốc.

Cũng vào tháng 8/2003, một du khách đã thật sự chết lặng khi thấy bày bán ngay trên vỉa hè dinh Thống Nhất (dinh Ðộc Lập cũ) một con vượn đen má trắng - một động vật được xếp vào loại quý hiếm. Thương con vật đang hốt hoảng sợ sệt và có thể bị... nấu cao trong vài ngày tới, ông quyết cứu bằng được con vượn xấu số. Ðầu tiên, ông báo ngay cho cơ quan kiểm lâm Việt Nam. Nhưng có lẽ không mấy tin tưởng lắm nên sau đó ông bỏ tiền ra mua và vượt 1600 cây số ngàn để đích thân đem tới vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đưa nó về môi trường sống.

Chúng ta nghĩ sao về hai câu chuyện trên" Chúng ta có còn cười được không"!

Nhiều người trong nước và cả một số Việt kiều cũng biện bạch cho hành động của bọn buôn thú là kế sinh nhai: tại nước mình nghèo! Ơ hay! Nói như thế hễ cứ nghèo là có quyền phạm pháp" Ðó là chưa nói đến lý lịch của các tay buôn thú. Hồi năm ngoái có vụ một quan chức săn bò tót (một loại bò rừng, nằm trong Sách Ðỏ). Và khi chúng tôi viết bài này thì báo Lao Ðộng ngày 25/10/03 có đăng một vụ khám xét của lực lượng kiểm lâm Gia Lai trong một nhà đầu nậu đã phát hiện được 7 con gấu rừng còn sống và 3 con đã bị chết và ướp lạnh! Họ đâu có nghèo!

***

Không biết bảo tồn thiên nhiên trong lúc người nước ngoài phải làm việc ấy thay mình đã là một điều đáng trách, một cái nhục, nhưng đáng trách hơn là tẩu tán các cổ vật ra nước ngoài, và bán đổ bán tháo cho các tay săn đồ cổ.

Ðất nước chúng ta có chiều dài hàng nghìn năm văn hiến, đi đến đâu cũng thấy miếu đền, di tích. Nhưng nhìn lại chính sách của nhà nước và thái độ của một số người thì thật xấu hổ với tiền nhân. Một nhà khoa học đã đưa ra con số đáng giật mình: hiện tại có không dưới 10.000 cổ vật Việt Nam đang "lưu lạc" ở nước ngoài và ngay trong lúc này số lượng "chảy máu" vẫn còn ồ ạt mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được (hay đúng ra là không muốn").

Rất nhiều di tích rất xưa như Ðền Cổ Loa, Ðền Hai Bà, các chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), chùa Keo (Thái Bình), Tháp Chàm (Phan Rang), Kinh Thành Huế, là những ví dụ mới nhất trong hàng trăm, hàng ngàn trường hợp đau lòng khác. Chẳng ai canh giữ, các cổ vật bị lấy đi một cách dễ như lấy đồ trong túi. Các ly, chén bằng gốm trong đền Cổ Loa đã gần 3000 năm tuổi để bụi mốc, có mất cũng không biết nữa là bị đánh tráo của giả. Chẳng ai bảo trì, các di tích này đang bị xuống cấp trầm trọng và không biết sụp đổ lúc nào. Than là không có kinh phí nhưng ngược lại, nhà nước đã dồn mọi tiền bạc, công sức để kiến tạo, tu sửa hàng ngàn các "di tích 50 năm tuổi" của cách mạng của các lãnh đạo cộng sản, mà điển hình nhất là bức tượng khổng lồ cao 18 mét, nặng 150 tấn bằng đá hoa cương của ông Hồ Chí Minh ở Nghệ An hồi tháng 9.03.

Khốn nạn và nhục nhã hơn ở chỗ là khi người ngoại quốc có các kế hoạch bảo quản thì chính nhà nước mình lại thờ ơ. Vào cuối năm 2002, Viện Goethe tại Hà Nội tổ chức một buổi hội thảo chuyên đề quốc tế về việc bảo tồn các khu phố cổ Hà Nội. Hiện diện trong buổi này có đông đủ các chuyên gia về bảo tồn và quy hoạch đô thị đến từ khắp nơi ở Ðông Nam Á và từ Cộng Hòa Liên Bang Ðức, trong khi ấy hoàn toàn không có một vị đương chức nào từ Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội đến dự mặc dù ban tổ chức đã gởi rất nhiều thư mời. Trả lời sau buổi hội thảo, ông Frank-Xavier Augustin, viện trưởng viện Goethe đã không giấu được nỗi buồn và nghĩ sẽ không bao giờ tổ chức như thế này nữa...

Cũng trong khuôn khổ hợp tác viện trợ, vào năm 1997, Ðại Học Texas đã có ý định giúp đỡ Ðại Học Cần Thơ. Nhưng các quan chức trên Bộ đòi phải ưu tiên cho các nơi ngoài Bắc và còn có thái độ nhũng nhiễu, thái độ "phong bì". Rốt cuộc ÐH Texas đành bỏ vì họ chỉ quan tâm tới canh nông là điểm mạnh của ÐH Cần Thơ và không quen "chung chi"!

Nhục ơi là nhục.

***

Bước sang một lãnh vực khác đang làm những người có tâm với đất nước không khỏi quan ngại và chỉ biết lấy mo che mặt: xây dựng. Việt Nam ta có 2 trường cực kỳ bề thế là Ðại Học Xây Dựng Hà Nội và Ðại Học Bách Khoa TPHCM cộng thêm hàng chục trường khác nhỏ hơn trên cả nước đang đào tạo mỗi năm hàng ngàn kỹ sư, thế mà từ Bắc chí Nam, không đâu là không có những vụ tai tiếng về xây dựng. Những vụ bê bối nổi tiếng là cầu Hải Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), cầu này do cơ quan OXPAM của Anh tài trợ 300 triệu đồng và được khánh thành tháng 6/02. Nhưng chưa kịp bàn giao thì bị gãy sập. Khi kiểm tra thì lỗi do bên thi công, hôm ấy có cả đại diện OXPAM đến. Ủy ban huyện và đơn vị thi công chịu một nửa và xin OXPAM tài trợ phần còn lại nhưng đến nay chưa thấy họ trả lời. Có lẽ cơ quan này cũng đã hết chịu nổi cung cách làm việc vô lương tâm của phía thi công.

Nói về các vụ sai sót thì vô kể, trước hết có thể nói đến đập Hiền Lương (Quảng Ngãi), Ðây là một con đập ngăn mặn được đầu tư 13 tỷ đồng mà các giới chức địa phưong đánh giá là "công trình của thế kỷ". Thế nhưng mới chỉ khánh thành được vài tháng thì sự cố: thay vì giữ nước ngọt ngăn nước mặn thì công trình thế kỷ này lại...làm ngược lại. Ðến tháng 7/03 đã phải sửa 3 lần. Khôi hài hơn cả là vụ trường Bán công Cái Nước (Cà Mau) được khánh thành tháng 9/2000 trị giá 1,1 tỷ với 10 phòng học. Thế nhưng ngay trong năm đầu tiên, một học sinh trong giờ ra chơi đã vô tình dùng chân đá vào bức tường làm cho nó... sụp xuống. Em ấy bị kiểm điểm dưới cờ vì thiếu ý thức "bảo quản của công". Cũng may là em mới chỉ "vô tình" chứ bằng không hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều lắm"!! Rồi cách đó 2 cây số, trường Trung học cơ sở Trần Thới còn tồi tệ hơn (vì chỉ đầu tư 800 triệu đồng). Trên hai lỗ thông gió ở đầu hồi, chim se sẻ bay vào bay ra cũng làm... xi măng rơi xuống. Mấy con se sẻ này! phải chăng rồi sẽ có ngày cũng bị kiểm điểm dưới cờ!

Ít khôi hài hơn là công trình đê sông Hồng, cầu Hoàng Long (Thanh Hóa), Quốc lộ 1A, QL 6, QL 12, Cầu Bản Xứa (Sơn La), cầu Trìa (Quảng Trị), nhà máy Tiên Phước (Quảng Nam)... Riêng tại Sài Gòn, những cái tên như đường Liên cảng A5, hầm chui Văn Thánh, cống hộp Bình Thạnh, hệ thống thoát nước Thảo Cầm Viên... đã quá quen thuộc. Ngay công trình lớn như bảo sanh viện Hùng Vương cũng có vô số vấn đề trong đó tiếu lâm nhất là cái nhà vệ sinh chỉ rộng 1,7x 1mét, với kích thước này người bình thường cũng gặp khó khăn huống hồ sản phụ...

Ngày nay nếu đi lòng vòng trong các thành phố lớn từ Bắc chí Nam, người ta vẫn còn thấy rất nhiều các công trình người Pháp xây dựng cách đây cả thế kỷ, mà hầu như chưa có cái nào gặp sự cố như những gì nêu trên. Mà có gặp sự cố người ta cũng biết trước chứ không như phải đợi đến lúc sập tường mới vỡ lẽ. Ðiển hình của chuyện này đã xảy ra ở nhà thương Vĩnh Long. Cách đây vài năm chính phủ Pháp đã thông báo cho Bộ YTế về niên hạn sử dụng của nhà thương này vì nó đã quá cũ (xây từ năm 1930) và trải qua bao nhiêu thiệt hại vì chiến tranh. Họ cũng đã tiên đoán trước tình trạng cầu Mỹ Huê (Trà Vinh), cầu Tân Thuận (Sài Gòn), cho dù họ ở cách đó cả chục ngàn cây số. Trong khi chúng ta chẳng làm được chuyện ấy cho dù mới chỉ khánh thành cách đó vài tháng!

Rất nhiều người đã dũng cảm đặt ra câu hỏi thực tế: cũng vẫn công trình ấy, vẫn công nhân Việt Nam xây dựng, nhưng tại sao ở những nơi có người nước ngoài hướng dẫn, giám sát thì chất lượng bảo đảm hơn" Như trường hợp cầu xa lộ Sài Gòn, trước đây chúng ta đã từng đầu tư làm lại mặt cầu nhưng nó vẫn sần sùi nham nhở không thể chấp nhận được, nhưng đến lần sau cùng thì mọi việc đều rất tốt về chất lượng, kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Phải chăng có sự giám sát của chuyên gia Pháp" Tương tự, người ta có cảm giác đoạn xa lộ Hà Nội (xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa cũ) khác hẳn đoạn Ðiện Biên Phủ mở rộng và đường Nguyễn Hữu Cảnh. Nghịch lý này còn thấy rõ giữa các công trình QL5, QL18 (có người nước ngoài) với QL 51 (do ta tự giám sát). Giải thích sự khác nhau ấy ra sao" Thật khó hiểu khi chương trình đào tạo kỹ sư xây dựng của họ xem ra còn ít chuyên về kỹ thuật như ở Việt Nam ta.

Câu trả lời thật ra không khó. Ðúng là kỹ sư Việt Nam rất giỏi - nhưng cũng như câu chuyện cây cam của Án Anh trong Ðông Chu Liệt Quốc - sở dĩ có sự cố là vì cơ chế, là vì guồng máy hành chính của chúng ta quá ruỗng nát. Một guồng máy chỉ rặt toàn những kẻ vô tích sự, ngu dốt, bảo thủ lãnh đạo, và đã sống trong đó thì cho dù thanh liêm và có lương tâm đến đâu sau cùng cũng trở nên xấu. Ta có thể chứng minh điều này: cũng cùng một kỹ sư ấy, nếu làm việc ở các nước Thái, Mã, Singapore cũng đã đạt kết quả tốt; ngược lại lấy một ông Tây mắt xanh mũi lõ cho sống ở Việt Nam vài tháng thì có lẽ họ cũng...vượt đèn đỏ và đi ngược chiều như biết bao người mình, vì nếu không làm như thế họ cũng sẽ chết cứng một chỗ.

Lòng tự ái dân tộc" Một tờ báo đã đề cập vấn đề này khi nhắc đến những điều nghịch lý trên. Ðến khi nào chúng ta thấy ngượng khi để một ông khách nước ngoài dạy luật đi đường, hoặc bỏ tiền ra mua các động vật quý hiếm để thả về rừng, đến khi nào chúng ta thấy nhục khi so sánh các công trình của ta và của họ thì may ra những điều quốc sỉ trên mới chấm dứt.

Nhưng cũng phải đau lòng mà nhìn nhận rằng ngày ấy còn rất xa, xa lắm. Muốn tạo một ấn tượng ấy thì phải can đảm nhìn nhận những sai trái của xã hội mình. Nhưng làm thế nào có được điều ấy khi mới chỉ nêu lên vài ý kiến phê bình đã bị quy ghép đủ thứ tội (không có) trên đời như: phá hoại tình đoàn kết dân tộc, lợi dụng quyền dân chủ... và bị xử tù nặng nề. Làm thế nào có thể cùng nhau phân tích đúng đắn những cản lực của sự nghiệp canh tân đất nước khi mới chỉ gởi cái email đã bị còng tay như những tên hình sự"!

Ðã có nhiều lần đem trao đổi ưu tư này với những người chung quanh thì mới nhận thấy được sự trầm trọng của vấn đề. Ðối với những người có trình độ và quan tâm đến đất nước - vốn dĩ là thiểu số - thì sự nhận thức về tình trạng này rất rõ ràng nhưng thái độ chung là thụ động và buông xuôi. "Ðã ở trong guồng máy của họ mà không lăn theo sẽ bị nó nghiền nát". Còn đối với phần lớn người dân thì hoàn toàn bàng quan: "Mấy cái đó không mắc mớ đến mình, miễn sao có công ăn việc làm là tốt. Có nhục tí cũng không sao!".

Chính sự thụ động và bàng quan này đang là mấu chốt của biết bao vấn đề hiện đang xảy ra trên đất nước mình. Vấn nạn trước tiên là tham nhũng. Từ lãnh đạo tối cao đến dân đen ai ai cũng nói đến tham nhũng, ai ai cũng quyết tâm, nhưng ai ai cũng biết rằng sẽ chẳng làm gì được. Biết bao biện pháp đã được đưa ra, mà gần đây nhất là nêu đích danh những kẻ phạm pháp lẫn người bao che, nhưng kiến nghị cũng rơi vào khoảng không. Lý do là có 1 người nói nhưng tất cả đều im lặng và để cho qua vì không muốn rước họa vào thân và cảm thấy nó chẵng liên quan gì đến mình. Và cơn đại họa tiếp tục hoành hành, mỗi ngày một dữ. Còn biết bao vấn nạn khác: giáo dục, trật tự giao thông, bình đẳng y tế,... Càng để lâu vấn đề càng phức tạp khó giải quyết, nhưng hầu như tất cả đều đồng thuận sống chung trong một tình trạng buông trôi ấy.

Như thế mấu chốt để giải quyết vấn đề chỉ vọn vẹn 2 điểm: thứ nhất phải làm cho mọi người cảm thấy mình có liên quan với các vấn nạn của đất nước; thứ hai, phải có những cơ chế độc lập có điều kiện kiểm soát và có quyền hành xử phạt nghiêm minh những sai trái. Ðể làm điều thứ nhất phải cho người dân trực tiếp và thực sự tham gia vào công việc điều hành đất nước. Ngày nay nhiều người vẫn lầm tưởng được quyền chọn lựa tráng xi măng con hẻm của mình hay không thì đã là dân chủ (mà đảng lấp lửng là dân chủ cơ sở!) hoặc qua vài bài báo và vụ án tham nhũng thì đã là tự do báo chí. Cái thứ chúng ta cần là dân chủ ở tầm cao chứ không phải quanh quẩn trong mấy con hẻm. Ðó là quyền tự do ứng cử vào các cơ quan như quốc hội, hội đồng nhân dân. Còn điều thứ hai, đơn thuần là một cơ quan tư pháp, một tòa án không lệ thuộc đảng, không có những "án tại hồ sơ", sẵn sàng truy tố bất cứ ai.

Có làm được hai điều trên chúng ta mới hy vọng giải quyết rốt ráo những vấn nạn đã tồn đọng từ lâu và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự nghiệp canh tân đất nước. Bằng không chúng ta vẫn tiếp tục ăn thịt khỉ, uống mật gấu, đi lại một cách vô trật tự tiếp tục sống với một thái độ ích kỷ mà tất cả được gọi dưới cái tên hoa mỹ: "truyền thống dân tộc".

Với cái "truyền thống" ấy, riết rồi đất nước chúng ta chỉ toàn những kẻ yên lặng, những kẻ làm ngơ. Chính trị hoàn toàn ổn định nhưng trong một sự bất công, gian trá, đạo đức giả. Ổn định nhưng mãi mãi chúng ta vẫn làm nô lệ cho người!!!

Sài Gòn, 26/10/2003 Phan Kiến Quốc