Bài BĂNG HUYỀN / VienDongDaily.com, 17/4/2016)

Về dạy tại Việt Nam 1 năm

“Từ khi tôi lên học đại học, tôi luôn có tâm nguyện donate một năm hoặc hai năm đi làm thiện nguyện không nhận lương, giúp những người kém may mắn tại quê nhà. Vì được qua Mỹ từ nhỏ, được hưởng nền giáo dục tại đất nước tự do này, tôi luôn cảm thấy cuộc sống của mình bình yên, may mắn hơn nhiều người lắm. Ngay khi tốt nghiệp đại học ngành Giáo Dục Đặc Biệt, tôi muốn đi ngay, nhưng tự thấy chưa có nhiều kinh nghiệm, thì làm sao giúp được các em khuyết tật tại Việt Nam.

“Vì vậy sau thời gian dạy học chính thức 5 năm, đã tích lũy được một số kinh nghiệm nên tôi đã ghi danh tham gia vào Hội Thiện Nguyện Hồng Bàng. Đây là một hội bất vụ lợi [Địa chỉ 656 W Huntington Drive, #H-2, Arcadia CA 91007] do mấy anh chị gốc Việt lập ra giúp những người Việt tị nạn vượt biên ở đảo trước khi đi định cư vào xứ tự do từ nhiều chục năm trước.

“Sau này không cần giúp người Việt bên đảo nữa, thì nhóm chuyển sang giúp người nghèo, khuyết tật tại Việt Nam. Nhóm này thường gửi những thiện nguyện viên bên Mỹ về Việt Nam giúp người nghèo, khuyết tật… Vì nhóm muốn giúp những bạn trẻ gốc Việt ở Mỹ biết được tại Việt Nam người nghèo khổ sống ra sao, những sự khó khăn của người Việt Nam như thế nào.”


Cô giáo Dawn (Trần) Galazyn đang chỉ dẫn một em gái (ở Miền Tây) bị thiểu năng trí tuệ cách tự đánh răng. (Hình Dawn Trần cung cấp)

Đây là những lời cô giáo Dawn (Trần) Galazyn trả lời người viết về nguyên do vì sao cô lại xin nghỉ việc một năm để về dạy học cho những em khuyết tật sống ở những vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam vào niên học 2010-2011.

Cô Dawn (Trần) Galazyn kể, “Khi tôi thưa lại với bố mẹ và các chị em trong gia đình biết ý định tôi về làm thiện nguyện một năm tại Việt Nam, gia đình la tôi điên hả, tự dưng nghỉ làm đi về bên đó. Nếu muốn giúp thì cho tiền là được rồi. Tôi thấy cho tiền thì rất dễ. Nhưng bản thân tôi không cảm thấy mình làm được gì cụ thể, mà tôi chỉ muốn được tự mình trực tiếp giúp những người cần giúp qua kinh nghiệm mình đã có tại Mỹ.

“Khi tôi xin nghỉ phép 1 năm không ăn lương, ban đầu nhà trường Ralston Intermediate School (trong học khu Gadern Grove) nơi tôi đang dạy cho biết nếu tôi nghỉ thì sẽ phải nghỉ luôn. Lúc đó tôi trả lời là cũng được thôi. Vì tôi có dành dụm 1 số tiền để xài trong 1 năm đi làm thiện nguyện tại Việt Nam. Nhưng cô hiệu trưởng của trường rất mến tôi, nên đã viết thư cho học khu Garden Grove xin phép cho tôi nghỉ phép 1 năm không lương, sẽ nhận lại tôi vào dạy niên học 2011- 2012.

“Học khu đồng ý cho tôi nghỉ phép 1 năm. Khi đó tôi đã lập gia đình, nhưng chúng tôi vẫn chưa vướng bận chuyện con cái. Chồng tôi là người Mỹ, anh làm cán sự xã hội, chuyên giúp những người thương phế binh trong quân đội Mỹ. Từ trước đến nay anh luôn ủng hộ cho tôi về Việt Nam làm thiện nguyện. Trong thời gian tôi về Việt Nam một năm, anh có về theo tôi 2 tháng.”

Thời gian một năm tại Việt Nam cô ở chung với mấy soeur của dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái. Vì “tại Việt Nam người nào có yếu tố nước ngoài về làm từ thiện không dễ chút nào, mà phải thông qua một tổ chức trong nước. Nên hội Hồng Bàng đã thông qua dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái. Dù tôi theo đạo Phật, nhưng trong một năm ở chung với các nữ tu, tôi học hỏi được rất nhiều điều hay. Các soeur có tình thương rộng mở dành cho người nghèo khổ, khuyết tật.

“Mấy soeur sống tại những vùng thôn quê chẳng nhận được lợi lạc nào hết, các soeur sống thanh đạm như người dân quê, chứ không hề xây nhà ở tiện nghi đầy đủ hay nhà lớn hơn nhà người dân xung quanh. Cuộc sống của mấy soeur rất đơn giản, sống để giúp đời, giúp người nghèo. Tôi rất khâm phục các soeur và học được nhiều tính tốt của các soeur.

“Bản thân tôi vốn quen sống đơn giản, vì vậy khi rời Mỹ đầy đủ tiện nghi về sống tại các vùng thôn quê từ Nam đến miền Trung ở Việt Nam, tôi thích nghi được. Những thiếu thốn tiện nghi nơi tôi đến chỉ là những vấn đề rất nhỏ nhặt. Điều mà tôi quan tâm chính là những vấn đề lớn hơn tại Việt Nam. Trăn trở lớn nhất là khi tôi về một số vùng quê không có giáo viên Giáo Dục Đặc Biệt hướng dẫn các em.”


Cô giáo Dawn (Trần) Galazyn (giữa, mặc áo đen, tay cầm hoa) chụp lưu niệm với mấy soeur dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái trước khi về lại Mỹ. (Hình Dawn Trần cung cấp)

Kinh nghiệm dạy tại Việt Nam

Nhắc lại khoảng thời gian 1 năm tại Việt Nam, cô Dawn kể, “Vì dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái ngoài trụ sở chính tại Sài Gòn, còn có rất nhiều cộng đoàn ở các vùng sâu vùng xa tại Việt Nam, nên tôi được các soeur giới thiệu đi đến các cộng đoàn của dòng tu ở nhiều nơi tại Việt Nam. Mỗi nơi tôi ở 2- 3 tháng. Tôi từng ở Bình Dương, Bình Giã [là một xã thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu] những nơi này các soeur có mở trường học dành cho các em khuyết tật.

“Để có tiền duy trì những trường học miễn phí này, dòng nữ tu được sự trợ giúp của các nhà hảo tâm, chứ không có sự trợ giúp nào của chính quyền Việt Nam cả. Khi về những nơi này, tôi lấy những kinh nghiệm dạy các em khuyết tật bên Mỹ chỉ lại cho các cô giáo thiện nguyện tại đây, chia sẻ những phương pháp dạy, có học sinh tại lớp luôn để thực hành những phương pháp này luôn.

“Còn khi về miền Tây và lên vùng Kontum- Pleiku tôi có thực hiện một dự án Hội Nhập Cộng Đồng, giúp các em khuyết tật hội nhập vào đời sống trong cộng đồng. Tôi đã thực hiện được nhiều buổi hội thảo, mời các phụ huynh có con khuyết tật đến dự. Vì ở nhiều vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn còn thành kiến việc con em mình bị khuyết tật.

“Họ xấu hổ, nên thường giấu con trong nhà, cho nên tôi được các soeur giúp mời các phụ huynh có con khuyết tật tại vùng đó lại dự buổi hội thảo. Tôi nói sơ qua kiến thức căn bản về khuyết tật ra sao, chia sẻ những kinh nghiệm của tôi về những em khuyết tật tại Mỹ, nói cho phụ huynh biết với những em bị khuyết tật, tùy theo từng em, mình có thể làm gì giúp các em.

“Sau buổi họp đó, tôi xin phép từng gia đình đến thăm tận nhà mỗi người, rồi dựa trên khả năng của từng em, tôi hướng dẫn phụ huynh cách để giúp các em. Ví dụ có em bị bại não, nhưng trí của em rất bình thường (vì 50- 60 phần trăm trẻ em bị bại não có trí óc bình thường, chỉ bị liệt thôi), cha mẹ lại cho em ở nhà không đi học. Tôi đã mua một số dụng cụ học tập tặng cho gia đình những em này, hướng dẫn cho cha mẹ cách dạy cho em học chữ, dù em không thể học được lên cao, chỉ cần em biết đọc thôi cũng rất tốt cho em.”

Cô Dawn nói, “Một số em bị bệnh thiểu năng trí tuệ, phụ huynh cứ nghĩ em bệnh, nên cái gì cũng làm cho em hết, mà không tập cho em tự lập, tôi đến thăm đã hướng dẫn cho phụ huynh tập cho em những kỹ năng tự chăm sóc mình, như chỉ cho em tự đánh răng, vệ sinh cá nhân, tự thay quần áo… Vì ba mẹ đâu thể ở đời với em mà giúp em được hoài.”

Cô Dawn cho biết chương trình Hội Nhập Cộng Đồng mà cô thực hiện tại miền Tây và Kon Tum- Plâyku có tổng cộng 76 em khuyết tật, cô tìm đến từng nhà để giúp cha mẹ cách giúp cho con những kỹ năng sống, cho các em học chữ… “Riêng ở Plâyku, có em là người dân tộc, nếu được tập vật lý trị liệu thường xuyên và tập đi, có thể các em sẽ đi được (với những em bị bại não) nhưng vì tôi không chuyên về vật lý trị liệu, tôi có mời thêm thiện nguyện viên chuyên về vật lý trị liệu tại Việt Nam đến giúp em tập và tôi xin trợ giúp từ quỹ của hội Hồng Bàng giúp em tiền mua đồ để tập đi.”

Giọng chợt chùng xuống vì xúc động, cô Dawn tâm sự, “Nói chung tôi luôn xem mỗi em cần giúp gì thì tôi gắng giúp. Nhưng tựu trung hết là tôi giúp cha mẹ có niềm tin vào con của họ. Nhiều người phụ huynh có con khuyết tật, cứ nghĩ rằng thôi rồi, không còn làm được gì nữa hết. Nhất là những gia đình nghèo sống ở vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam, ví dụ họ có năm con, bốn con bình thường, một con bị khuyết tật, vì vậy họ không muốn bỏ nhiều thời gian chăm sóc và tiền bạc vào đứa con khuyết tật. Đó là một thực tế tôi nhìn thấy và rất buồn.

“Tôi cảm thấy ở nước Mỹ, những trẻ em, người lớn bị khuyết tật rất may mắn. Vì được chính phủ giúp từ khi mới sanh ra cho đến già và mất đi, họ luôn nhận được sự giúp đỡ, đem lại cho họ niềm tin để sống tự tin, độc lập. Còn những em nhỏ khuyết tật tại Việt Nam thì không được quan tâm. Mấy gia đình ở những vùng quê tôi về có kể là theo nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội của Việt Nam dành cho gia đình có con khuyết tật, mỗi tháng được trợ giúp khoảng 200 ngàn VNĐ [gần $9 Mỹ kim], nhưng mỗi lần họ đến để nhận, thì ở địa phương luôn thông báo là hết tiền rồi, hoặc không đủ để cho.”

Cô Dawn cho rằng tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều kỳ thị với người khuyết tật. Cô kể, “Có một phụ huynh sống tại Bình Giả có con bị bệnh Down, khi tôi hỏi con của bác có Chứng Minh Nhân Dân chưa? Bác đó nói khi con được 14 tuổi có đưa ra địa phương nơi gia đình sống để làm Chứng Minh Nhân Dân, nhưng ở địa phương từ chối làm, nói là em đó bị bệnh vậy đâu cần làm Chứng Minh Nhân Dân làm gì. Trong khi ở Mỹ, bất kỳ công dân sống hợp pháp tại đất nước này đều có ID, dù đó là người bình thường hay bị khuyết tật.”

Theo trang nhà của Tổng cục cảnh sát cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết về thủ tục về cấp Chứng Minh Nhân Dân (thẻ căn cước).

Trong đó có chi tiết: “Một số đối tượng tạm thời chưa được cấp chứng minh bao gồm: Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác không có khả năng điều khiển được năng lực hành vi của bản thân bao gồm người bị bệnh, đang điều trị tập trung tại các bệnh viện tâm thần. Người không điều trị tập trung nhưng có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận họ bị bệnh không điều khiển được năng lực hành vi thì tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân.

“Chú ý: Các trường hợp trên sau khi chấp hành xong các quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, được thay đổi biện pháp ngăn chặn, được trả tự do hoặc khỏi bệnh tâm thần, công dân đem các giấy tờ có liên quan đến Công an cấp huyện làm các thủ tục cấp CMND.”

Người viết cho cô giáo Dawn (Trần) Galazyn biết thông tin này, cô rất ngạc nhiên, vì cô cứ nghĩ rằng trường hợp mà cô biết do sống tại vùng quê cách xa trung tâm thành phố lớn nên mới có sự “kỳ thị” này, chứ cô không ngờ điều này được đưa vào luật tại Việt Nam.

Cô Dawn cho rằng sự kỳ thị dành cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam là một trong rất nhiều cách khiến những đứa trẻ này bị gạt ra lề xã hội.Vì phần lớn xã hội tin rằng các em không có khả năng làm gì cả nên trẻ em khuyết tật bị loại ra khỏi mọi mặt đời sống: không được chăm sóc sức khỏe thỏa đáng; không có bạn bè; không được hưởng các cơ hội học tập. Do không được đến trường nên các em thiếu kiến thức và kỹ năng sống, dẫn đến mất cơ hội việc làm và không hoàn toàn tham gia vào xã hội khi trưởng thành. Hiển nhiên điều này chỉ càng làm tăng thêm sự kỳ thị đối với người khuyết tật nói chung và những trẻ em kém may mắn nói riêng.

Từ kinh nghiệm làm thiện nguyện một năm giúp các em khuyết tật tại Việt Nam, cô giáo Dawn (Trần) Galazyn nhận xét tại Việt Nam vẫn nhìn nhận khuyết tật theo mô hình từ thiện hoặc y học, và chính vì vậy những định kiến và sự phân biết đối xử vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với người khuyết tật.

Trong khi trên thực tế, người khuyết tật hoàn toàn có khả năng tận hưởng một cuộc sống tự lập và tự trọng dựa trên nhân quyền.

Cô Dawn nói trong thời gian tại Việt Nam, có một phụ huynh kể cho cô nghe con mình bệnh tự kỷ, cứ mỗi sáng em thấy các bạn đi học đi ngang qua nhà, em cũng mang cặp lên vai, rồi đi qua nhà hàng xóm, rồi lại đi về, vì em rất thích đi học, nhưng không được đi học, vì trường tại địa phương không nhận học sinh bị bệnh tự kỷ.

Cô Dawn ngậm ngùi nói, “Tôi nghe kể thấy rất tội, em đó đã không có cơ hội đi học. Những em bị bệnh tự kỷ ở Mỹ, đều được dạy chữ, đọc những từ bình thường giúp cho các em trong cuộc sống, như viết tên mình, viết được số điện thoại, vân vân. Vì các em bệnh tự kỷ vẫn có khả năng học hỏi.

“Còn tại Việt Nam, những em bệnh tự kỷ, nhất là sống tại vùng quê thì không được dạy gì hết, nhiều khi nói còn không được, vì gia đình nghĩ là thua rồi, chẳng tìm cách gì giúp con. Riêng tôi nghĩ, nếu là tôi, phải sống ở Việt Nam tại vùng thôn quê, bản thân lại ít học, khi có con bị bệnh như vậy, chắc tôi cũng sẽ không biết cách gì để giúp con mình nữa. Các em khuyết tật cũng như người bình thường, luôn muốn được tình thương, có bạn bè, có sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội, nhưng không phải các em lúc nào cũng có.

“Ai cũng có thể học được điều mới hết, dù em đó có bị khuyết tật nặng đi nữa, em vẫn có khả năng để học một điều mới. Chính cha mẹ là người gần gũi yêu thương các em nhất, nếu kiên trì giúp đỡ các em thường xuyên thì dần dần sẽ có kết quả khả quan.

“Nhưng nếu cha mẹ phải vất vả mưu sinh, phải đi hái điều, đi làm thuê “đầu tắt mặt tối” cả ngày, không ai trông chừng em đó nên thường khóa cửa nhốt em đó lại trong nhà. Vì cha mẹ không có thời gian ở bên con, thì làm sao có thể dạy con, giúp con tập luyện được.”

Cô Dawn chia sẻ, “Tôi nghĩ, chuyến đi một năm về Việt Nam của tôi vào năm 2010, là thời gian tôi học hỏi kinh nghiệm hơn là đóng góp được cho các em. Tôi thấy mình chỉ đóng góp được 1 phần nhỏ thôi, cái chính là mỗi phụ huynh và chính xã hội Việt Nam phải có những chương trình giúp những em khuyết tật có cuộc sống tốt hơn.”

Biết rằng sức mình có hạn, nhưng cô Dawn vẫn muốn đóng góp chút gì đó cho các em khuyết tật tại Việt Nam, qua tìm hiểu bên dòng tu Các Nữ Tử Bác Ái trụ sở tại Sài Gòn có tặng các học bổng cho những bạn trẻ nghèo tại Việt Nam đi học đại học. Cô cũng biết thêm trường Sư phạm ở Sài Gòn có phân khoa Giáo Dục Đặc Biệt, nhưng rất ít người theo học, nên khi về lại Mỹ, cô vẫn còn giữ liên lạc với các soeur, cô tặng tiền mỗi tháng nhờ hội Hồng Bàng gửi về Việt Nam dành riêng cho chương trình Giáo Dục Đặc Biệt, để nhờ các soeur tìm những sinh viên nào theo học ngành này thì trao giúp.

Cô giáo Dawn (Trần) Galazyn bày tỏ mong ước của mình, “Trong tương lai gần, 1 vài năm tới, trong dịp hè tôi mong không chỉ một mình tôi mà sẽ tìm thêm được sự hợp tác của những người khác làm trong ngành Giáo Dục Đặc Biệt để thành một nhóm 3- 5 người về Việt Nam thực hiện chương trình huấn tập, giúp các giáo viên Giáo Dục Đặc Biệt hoặc phụ huynh tại những vùng quê ở Việt Nam những phương pháp giúp các em khuyết tật tại Việt Nam.”

Nhắc lại những điều học được từ chuyến đi, cô Dawn (Trần) Galazyn cho biết, “Ở Việt Nam không có nhiều giáo cụ giúp các em khuyết tật, nên khi về bên đó, tôi phải sáng tạo ra nhiều đồ dùng để dạy các em. Về lại đây, tôi cũng áp dụng những sáng kiến ở Việt Nam đưa vào trong giảng dạy tại trường. Qua chuyến đi, tôi có những câu chuyện kể lại cho học sinh bên này nghe, chia sẻ cho các em những hình ảnh tại Việt Nam.

“Riêng cá nhân tôi, cũng nhờ chuyến đi, khi về lại, tôi thấy những vấn đề tôi gặp phải bên này mà tôi từng tưởng là rất lớn, nhưng nay nhìn lại thấy nó nhẹ lắm so với những vấn đề lớn hơn tại Việt Nam. Tự thấy những vấn đề mình gặp bên này không là gì hết. Giúp tôi càng kiên nhẫn hơn với mọi khó khăn để tiếp tục kiên trì giúp các em.”

(Còn tiếp)

http://viendongdaily.com/tinh-thuong-yeu-tre-khuyet-tat-cua-co-giao-dawn-tran-ky-3-SNxXrl8s.html