lawXin chia sẻ bài viết của nhà văn Nguyễn Tài Ngọc:

Lut pháp và Tòa án Hoa K

[... trích]

Đã viết thì phải viết chi tiết, mà viết về luật pháp Hoa Kỳ thì tôi xin kéo còi hụ loan báo là nó sẽ không hấp dẫn như phim "Sóng Tình" với Thẩm Thúy Hằng mà sẽ nhàm chán như chuyện "Mưa rơi xuống nước" hay  "Lá rụng xuống sình".

Cơ cấu tổ chức chính quyền của nước Mỹ khác với phần đông các quốc gia trên thế giới là họ có chính quyền Liên Bang và Tiểu Bang. Hiến Pháp Hoa Kỳ ấn định rất rõ quyền hạn cũng như thẩm quyền pháp lý của Liên Bang và Tiểu Bang.

Những sự việc Tòa án Liên Bang xét xử là nhân quyền, quyền lợi lao động, môi trường, tội phạm với Liên Bang như phản quốc, làm bạc giả, hủy hoại tài sản, ăn cắp thuế má tiền bạc hay vật liệu của chính phủ, thương mại xuyên bang..., can phạm là Đại sứ hay ở trong chức vị cao cấp, khánh tận, ăn cắp bản quyền...

Những sự việc Tòa án Tiểu Bang xét xử là tranh chấp về Hiến Pháp Tiểu Bang, hợp đồng ký kết, chấn thương cá nhân, gia đình, bất động sản, hàng hóa, thương mại, pháp lệnh thành phố, quy định giao thông, tội ác tiểu bang cấm như giết người, ăn trộm, xâm phạm gia cư bất hợp pháp, hủy hoại tài sản, xem nhạc Paris by Night quá 24 giờ trong một tuần....

Việc Lý Tống xịt hơi cay do đó được tòa án của Tiểu Bang California xét xử, vì vi phạm luật pháp của tiểu bang.

Đây là sơ lược diễn tiến của một vụ án hình sự (criminal case), từ khi can phạm bị bắt đến khi ra tòa xử án:

Bị cảnh sát bắt: Khi một người bị cảnh sát bắt giải về nhà tù thì 1 trong 3 điều này sẽ xẩy ra:

-Can phạm sẽ được thả nếu Công tố viên chính phủ nghĩ không có đủ bằng chứng buộc tội.

-Can phạm sẽ đóng tiền thế chân, tại ngoại hầu tra. Công tố viên sẽ nói ngày nào phải trở lại.

-Can phạm không được thả, bị áp giải ngay vào tù.

Khởi đầu một cuộc án:

-Cảnh sát viên bắt can phạm sẽ viết một bản báo cáo, ghi lại diễn tiến cuộc bắt giam và tên của nhân chứng, nếu có. Can phạm không được xem bản báo cáo vì lý do cảnh sát sợ can phạm biết được tên tuổi, số điện thoại của nhân chứng rồi trả thù. Tuy nhiên luật sư của can phạm sẽ nhận được tờ tường trình này. Đây là lý do tại sao ở Mỹ ai bị thưa kiện nên có luật sư.

-Công tố viên quyết định nên hay không nên buộc tội, buộc bao nhiêu tội, trọng tội (felony) hay khinh tội* (misdemeanor), theo bản báo cáo cảnh sát cung cấp.

*“khinh” là nhẹ, như trong nghĩa khinh khí cầu

Thật sự là có đến 3 loại tội chứ không phải 2: Infractions (Vi cảnh), Misdemeanor (Khinh tội) , và Felony (Trọng tội).

-Infractions (Vi cảnh):  Tội rất nhẹ, phần đông là tội vi phạm lưu thông, người vi phạm chỉ đóng tiền phạt.

-Misdemeanor (Khinh tội): Hình phạt tối đa là 6 tháng hay 1 năm trong tù của County Jail và/hay $1,000. Thí dụ: Phá nhà, Ăn cắp, Lái xe, Say rượu, Vợ mặc áo mới mà lỡ dại không khen...

-Felony (Trọng tội): Hình phạt từ một năm tù prison cho đến tử hình. Thí dụ: Ăn cướp, Giết người, Hiếp dâm, Sửng sốt nói với vợ: “lúc này anh thấy em có da có thịt một tí”, ....

Vì can phạm có quyền đòi hỏi xúc tiến vụ án nhanh chóng, trong vòng 48 giờ công tố viên phải quyết định có buộc tội hay không. Quá 48 tiếng mà vẫn không bị buộc tội thì can phạm sẽ được thả ra.

Ngày ra tòa bị buộc tội (The Arraignment):

Chánh án sẽ giải thích cho can phạm:

-Bị buộc bao nhiêu tội.

-Quyền Hiến pháp bảo đảm cho can phạm (như Đạo Luật Thứ Năm: quyền im lặng, không nói gì hết)

-Nếu không có tiền thì Tòa sẽ chỉ định một luật sư biện hộ cho can phạm miễn phí.

Can phạm lúc đó sẽ chọn một trong 3 trường hợp sau đây: Không có tội (Not Guilty), Có tội (Guilty), hay Đồng ý với lời buộc tội (No contest). No Contest như là Guilty, chỉ khác ở một điểm là không được dùng để buộc tội can phạm trong vụ kiện dân sự (civil lawsuit).

Chánh án sẽ ấn định số tiền thế chân, thả can phạm tự do tại ngoại hầu tra sau khi can phạm đóng tiền thế chân.

Sau khi hai bên Công tố viên và Luật sư biện hộ của bị cáo trao đổi dữ kiện về cuộc án trong một thời gian khá lâu gọi là Discovery, Thẩm phán sẽ ấn định ngày ra tòa.

Ngày xử án:

Công tố viên và Luật sư biện hộ trước đó đã chọn 12 người làm bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn là dân chúng sống ở thành phố đó, "xui xẻo" được computer chọn đến tòa để làm bồi thẩm đoàn. Ở County tôi ở, trung bình một ngày họ gọi 250 người, và trung bình một người một năm bị gọi đi làm bồi thẩm đoàn một lần. Từng người một được hai bên gọi để phỏng vấn, và nếu không thích quan điểm của mình khi trả lời, họ có quyền không chọn mình. Tôi nói thí dụ họ chọn bồi thẩm đoàn cho vụ án Lý Tống. Luật sư biện hộ cho Lý Tống có thể không chọn người đưa ra ý kiến ghét Lý Tống, e rằng khi người này là bồi thẩm đoàn sẽ kết tội Lý Tống, và ngược lại Công tố viên có thể không chọn người đưa ra ý kiến là thấy việc làm của Lý Tống là đúng, e rằng người ấy sẽ biểu quyết tha bổng bị cáo khi xử án.

Bồi thẩm đoàn, không phải Chánh án, là những người sẽ quyết định bị cáo có tội hay không. Nếu không, bị cáo sẽ được thả tự do. Nếu bị kết tội, Chánh án sẽ chọn một ngày khác để ấn định án tù là bao nhiêu.

Sự phán xét và buộc tội của bồi thẩm đoàn phải là hoàn toàn chắc chắn, không một chút hồ nghi (beyond any reasonable doubt), do đó cả 12 người phải đồng ý kết tội. Nếu 11 người muốn kết tội mà chỉ cần một người không đồng ý (gọi là "hung jury" > mistrial) thì can phạm sẽ được tha bổng.

-Kháng Án:

Can phạm nào sau khi bị kết tội cũng có quyền kháng án. Thế nhưng kháng án là chuyện trầy da tróc vẩy vì kháng án không có nghĩa là sẽ xử án lại một lần nữa. Thẩm phán khác, không phải là bồi thẩm đoàn, sẽ duyệt lại bản án, và chỉ xét xem Chánh án ở tòa dưới có làm sái luật khi cho phép nhân chứng hay tang chứng trình bày trước tòa. Tòa Kháng án không xem lại dữ kiện của tòa dưới để kết luận bị cáo phạm hay không phạm tội. Do đó, một người chỉ có thể kháng án nếu họ lập luận rằng:

1. Không đủ tang chứng ở tòa dưới để kết tội; hay/và

2. Pháp luật và luật lệ đã không giữ đúng ở tòa dưới khiến bồi thẩm đoàn kết tội sai lầm.

Qua những chặng đường của một cuộc xử án vừa nêu trên, một người có thể thấy luật pháp Hoa Kỳ thận trọng bảo toàn quyền lợi của can phạm từ khi bị bắt đến khi kết thúc. Ấy thế mà vẫn chưa đủ. Ở các quốc gia khác trên thế giới, khi vừa bị bắt là luật pháp của nước họ kết án  can phạm có tội ngay lập tức. Đến ngày xử án thì can phạm phải chứng tỏ cho bồi thẩm đoàn là mình vô tội. Trong khi ở Mỹ thì ngược lại. Cho dù một người đâm người khác chết rõ ràng, có nhiều nhân chứng và tang vật giết người được lưu giữ, can phạm đó hoàn toàn vô tội cho đến ngày xử án, innocent until proven guilty, và chính phủ phải chứng minh cho bồi thẩm đoàn thấy là can phạm đó đã giết người, chứ không phải can phạm phải chứng minh là mình vô tội. Bên nào phải chứng minh thì bên đó khó thắng hơn. Tôi đưa ra một thí dụ chuyện này xẩy ra hơn 20 năm về trước ở hãng tôi: Anh tài xế lái xe đi giao hàng uống bia trong khi làm việc nên đôi lúc "xỉn", làm lụng bê tha và thỉnh thoảng trốn vào một góc say ngủ. Chúng tôi do đó sa thải anh ta. Anh ta mướn luật sư thưa hãng tôi ra tòa về tội sa thải nhân viên trái phép, và tòa xử chúng tôi thua! (Lúc bấy giờ hãng chúng tôi nhỏ nên không có cẩm nang luật lệ để nhân viên ký đồng ý tuân theo điều lệ). Lý do? Hãng chúng tôi nói anh ta say rượu thì phải chứng minh điều đó.  Hãng tôi có máy đo hơi thở để biết số lượng rượu trong cơ thể không? -Không! Hãng tôi có bao giờ thử  hơi thở của anh giao hàng để biết độ rượu trong máu của anh ta là bao nhiêu không? -Không! Nếu không thì bằng chứng đâu hãng tôi nói anh ta say rượu? Chúng tôi hoàn toàn thua đại bại!

Hệ thống tòa án phải cần đến 12 người bồi thẩm đoàn để xét xử, tất cả không phải là giới chức chính quyền mà  là dân chúng bình thường như bị can (jury of one's peers), lấy từ một điều khoản trong Chương 28 của một tài liệu tuyệt vời về luật pháp của Anh quốc, Magna Carta, viết vào năm 1225. Điều khoản ấy nói rằng "không một người dân tự do nào bị bắt,  hay bị giam, hay bị sống ngoài vòng pháp luật, hay bị đày tha hương, hay bị thủ tiêu. Chúng ta cũng không giao họ cho người khác, không lên án họ, trừ khi họ bị những người cùng như họ, hay bị luật pháp của quốc gia kết tội" ("No freeman shall be taken or imprisoned, or be outlawed, or exiled, or any otherwise destroyed; nor will we not pass upon him, nor (condemn him), but by lawful judgment of his own peers or by the law of the land").

Bây giờ nói đến vụ án Lý Tống.

Như đã giải thích ở trên, ngay sau khi can phạm bị bắt, trong vòng 48 giờ, công tố viên phải buộc tội. Nếu không thì can phạm sẽ được trả tự do. Sự buộc tội này phải dựa trên những điều luật đã có sẵn, nếu không thì không sẽ buộc tội can phạm được. Đây là chuyện có thật xẩy ra mấy chục năm trước: Siêu thị ở Mỹ có những xe đẩy -cart- để khách bỏ bao đi chợ vào, đẩy ra chỗ đậu xe. Mấy chục năm trước những người không có xe hơi nhưng sống ở gần siêu thị đẩy xe cart này về apartment của mình rồi để đó, không đẩy lại. Hậu quả là siêu thị mất xe cart, vì nó ở rải rác khắp nơi. Siêu thị bèn quyết định thưa những người này ra tòa về tội ăn cắp xe tư nhân , thuộc quyền sở hữu của siêu thị. Tòa xử siêu thị... thua! Lý do? Xe cart siêu thị làm công dụng của nó là để khách hàng chuyên chở thức ăn mua trong chợ. Không có một chỗ nào gắn bảng cảnh cáo trong khu vực đậu xe là xe cart không được đẩy ra khỏi phạm vi siêu thị, theo đạo luật số mấy... thì làm sao có thể buộc tội người đẩy xe về nhà, vì họ dùng nó là công cụ chuyên chở, và vì họ không biết? Từ đó trở đi, nếu một người nào bây giờ để ý thì parking siêu thị nào cũng cắm bảng viết rất rõ cấm không được đẩy xe cart ra khỏi phạm vi siêu thị, chiếu theo đạo luật số 123456......

Một số người  nghĩ như Lý Tống đã nghĩ, là tội ông ta rất nhẹ vì chỉ xịt nước mắm trộn lẫn nước hoa chứ không phải hơi cay, chẳng hại cho ai hết (chính Lý Tống nói việc này con nít cũng làm được). Thế nhưng họ nghĩ lầm vì mỗi một tội, dù nhỏ hay có khác nhau đến đâu, đều đã có trong sách hình luật và do đó công tố viên đã buộc ông đến 6 tội: 5 trọng tội -felony, và 1 khinh tội - misdemeanor (Án số/ Docket No.: C1082954) :

Tội Thứ Nhất: (Trọng Tội -Felony): Tấn công dùng vũ khí chết người - Assault with a deadly weapon. Hình luật số 245(a)(1).

Tội Thứ Nhì: (Trọng Tội -Felony): Dùng hơi cay bất hợp pháp - Unauthorized use of tear gas. Hình luật số 12403.7(g).

Tội Thứ Ba: (Trọng Tội -Felony): Thay đổi số sản xuất của vũ khí bằng gas - Altering ID on tear gas weapon. Hình luật số 12422.

Tội Thứ Tư: (Trọng Tội -Felony): Tự ý dùng hơi cay nơi công cộng - Willful employment or use of tear gas , mustard gas or combination thereof in public. Hình luật số 375(a)/(d).

Tội Thứ Năm: (Trọng Tội -Felony): Burglary Bậc hai: vào nhà một người khác với ý định gây trọng tội- Second Degree Burglary - Entering with intent to commit a felony. Hình luật số 459-460(b).

Tội Thứ Sáu: (Khinh Tội - Misdemeanor): Chống cự, Trì hoãn, Cản trở cảnh sát - Resisting, Delaying, Obstructing an officer. Hình Luật số 148(a)(1).

Hình phạt tối đa nếu bị kết án cả 6 tội này là 3 năm và 8 tháng tù ở. Thế nhưng bồi thẩm đoàn chỉ kết Lý Tống có 4 tội mầu xanh ở trên, với tội thứ nhất giảm xuống khinh tội -misdemeanor, simple assault-, vì họ không nghĩ Lý Tống dùng vũ khí chết người. Hai tội mầu đỏ, Thứ Ba và Thứ Tư, họ tha bổng cho ông. Bà chánh án Andrea Y. Bryan sau đó tuyên phạt Lý Tống 6 tháng tù ở.

Bồi thẩm đoàn chỉ xem xét, phân tích những tang chứng trình bày của cả hai bên Công tố viên và Luật sư biện hộ tại Tòa để đưa đến kết luận. Lý do làm cho Lý Tống giả phụ nữ để xịt nước cay vào người khác cho dù có hữu lý đến đâu cũng không thể nào thuyết phục đó là lý do chính đáng để hành hung người khác, cho dù sự hành hung ấy có nhẹ đến đâu đi nữa. Hoa Kỳ là xứ tự do, nhưng cũng là quốc gia của luật pháp. Dân chúng có toàn quyền bày tỏ ý kiến của mình, chê bai một cá nhân, một tập thể, một chính sách, một chính thể, một quốc gia, thế nhưng sự bày tỏ ý kiến ấy phải làm trong vòng luật pháp. Đạo luật Thứ Nhất, The First Amendment, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, nhưng ngay cả quyền tự do ngôn luận đó cũng không thể đụng chạm quyền lợi của người khác một cách phi lý. Một người đứng trước Tòa Bạch Cung có thể la hét chửi bới Obama làm lũng đoạn sự cường thịnh của nước Mỹ mà không sợ bị ai bắt vì quyền tự do ngôn luận của anh ta được Đạo Luật Thứ Nhất  -The First Amendment- bảo vệ, thế nhưng anh ta  không thể nào vào giữa rạp hát đang chiếu phim, la lớn: “Cháy nhà”! khi không có đám cháy mà chỉ với mục đích  dọa người đi xem phim.

Thử tưởng tượng một người đánh người khác rồi đưa ra lý do tại sao: Hôm qua vợ tôi chửi tôi nên hôm nay tôi trả thù. Tôi đi chợ mua tầu hũ, về nhà khám phá nó bị thiu nên tôi tức mình nện người bán hàng. Tôi khen cô bạn vợ tôi nấu ăn ngon, làm bây giờ tôi bị ăn mì gói hơn 3 tháng, nổi cơn điên nên tôi đánh ông bán mì gói. Trăm nghìn người sẽ dùng trăm nghìn lý do khác nhau để hành hung người khác. Xã hội bảo đảm sẽ trở nên hỗn loạn vô trật tự. Bồi thẩm đoàn do đó chỉ thấy tang chứng rõ ràng là Lý Tống mua vé xem hát với mục đích xịt hơi cay để đả thương, dùng hơi cay bất hợp pháp để xịt vào mắt người khác (nhưng không nguy hiểm như công tố viên nghĩ), và chống cự cảnh sát khi bị bắt.

Lý Tống là người gan dạ, làm những việc mà cả trăm nghìn người, cả triệu người không dám làm. Nhưng nếu ông đã có gan làm thì cũng có gan gánh hậu quả, không nên chỉ trích những điều gì vô lý. Nước Mỹ không phải là xứ có kangaroo court, tòa án bất chấp luật lệ, hay Chánh án là người duy nhất buộc tội và kết tội, mà đổ lỗi cho hệ thống pháp luật Hoa Kỳ không công bằng.

Lý Tống không bị một thẩm phán độc tài, một quân đội chuyên chế kết tội, mà được bồi thẩm đoàn 12 người cùng là công dân xứ Hoa Kỳ như Lý Tống, với đầu óc khách quan xem xét  tang chứng đã được trình bày trước tòa từ cả hai bên công tố viên chính phủ và luật sư biện hộ, rồi họ phân tích tỉ mỉ để đưa đến kết luận ông ta phạm tội.

Một người gan dạ như Lý Tống dĩ nhiên nên có "sức chơi, sức chịu". Tôi không phải là người gan dạ, nhưng tôi đã có kinh nghiệm cũng chỉ vì một lời phát ngôn bừa bãi với vợ tôi mà gánh lấy hậu quả tai hại. Thế nhưng khác với Lý Tống, tôi biết đó là lỗi tại tôi, chẳng đổ lỗi cho ai khác bao giờ:

ngày xưa mình mới lấy nhau,

đôi ta mảnh khảnh, Phi Châu, ốm, gầy.

quần anh mặc phải buộc dây,

thân em liễu yếu, gió bay cái vèo.

giờ thì anh mập như heo,

còn em, cũng chẳng ốm teo dạo nào.

anh ngu, nói chẳng đón rào,

khen em da thịt hồng hào hơn xưa.

nghe xong, em giận mây mưa,

anh chê tôi mập? đừng rờ đến tôi!

       trăm nghìn muôn sự tại tôi,

sẩy lời, đê vỡ, thiếu xôi chín tuần.

       làm trai cho đáng thánh thần,

mình làm mình chịu, chẳng ngầm chê ai.

Nguyễn Tài Ngọc

http://saigonocean.com/

July 2012

Tài liệu tham khảo:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/06/120623_lytong_trial.shtml

http://www.docstoc.com/docs/47962063/Felony-complaint-against-Ly-Tong

http://www.courts.ca.gov/1069.htm

http://www.vietvungvinh.com/index.php?option=com_content&view=article&id=1618:bai-dien-van-ly-tong-du-dinh-se-doc-khi-toa-tuyen-an&catid=49:chinh-tri-xa-hoi&Itemid=82

http://www.archives.gov/exhibits/featured_documents/magna_carta/translation.html

wikepedia


Bài liên quan:

- Minh Béo bị bắt ở Mỹ

- Nhà tù ở Mỹ - JAIL