Nếu không giữ được lời dạy chánh trị,

chớ phụ lời dạy yêu nước. 

Phan Văn Song  

1/ Nguyễn Ngọc Huy, nhà yêu nước với đảng Đại Việt: 

Cũng nên nhắc lại lịch sử thế giới trước Thế chiến 2. Lúc bấy giờ, phân nửa thế giới đang bị trị bởi các đế quốc thực dân, như Anh, Pháp, Hòa lan, Tây ba Nha, Bồ đào Nha. …lại còn có những quốc gia đang bị các Liên minh Âu châu quản trị như Cameroun, Liban, Lybie…Các quốc gia như Đức, Nhựt, Ý vì thiếu đất để phát triển kinh tế, vì thiếu thuộc địa để nuôi “mẫu quốc” nên dựa trên những lý thuyết dân tộc để vận động tinh thần yêu nước của quần chúng mình để phát triển.  Đức với thuyết Quốc Xã củng cố vai trò chủng tộc Aryen “da trắng tóc vàng mắt xanh”; Ý, với thuyết Fascisme, chia xã hội thành những «chùm, nhóm”(faisceau) để đồng hóa xã hội thành một khối; Nhựt bổn với «thánh thuyết: Thái dương Thần nữ và Nhựt hoàng hiển thánh” đã vận động quân ngũ hóa toàn thể nhơn dân mình để bành trướng tìm «đất sống và không gian sanh tồn» và với Chủ Thuyết Đại Đông Á, mộng ước tạo một Khối Thịnh Vượng Chung Đông Nam Á để đối chọi và cạnh tranh với Đế quốc Pháp và Anh…

RiêngTrung Hoa và Việt Nam là hai quốc gia tuy bị trị nhưng có tinh thần dân tộc rất mạnh:

Trung Hoa đang bị ngoại xâm trầm trọng, các đế quốc ngoại quốc cả Âu lẫn Á đang dày xéo, chia xẻ tài nguyên, chánh quyền không có, cả nước Trung Hoa do bà Từ Hy độc ác vô tài cầm đầu, toàn đất Hoa do các lãnh chúa tham nhũng vô đạo đức bóc lột. Không ai đoái hoài đến người dân cả, và vì thế Quốc Dân Đảng ra đời do Tôn Trung Sơn hay Tôn Dật Tiên sáng lập với chủ nghĩa Tam Dân. Tôn Dật Tiên cướp chánh quyền Từ Hy của Nhà Đại Thanh và thành lập Công Hòa Trung Hoa Dân quốc năm 1911.

Việt Nam, lức bấy giờ, để tìm con đường cứu quốc, giải phóng quốc gia, giành độc lập, nhìn vào Nhựt Bổn Dân tộc và Trung Hoa Cách mạng làm hai gương sáng. Từ phong trào Đông du, đến con đường tỵ nạn qua Trung Hoa, đều là do các thanh niên yêu nước thoát ly gia đình đi tìm con đường cứu quốc. Một con đường cách mạng thứ ba nữa ra đời, trễ hơn, là con đường những nhà yêu nước phần đông gốc miền Nam, du học Pháp, đem tư tưởng Cách mạng Pháp 1789 trở về Việt Nam làm Cách mạng đòi Độc lập, đấu tranh dân chủ công khai ngay tại Miền Nam thuộc địa, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Thế Truyền, … điển hình, thí dụ cụ thể là  Đảng Lập Hiến Đông Dương ( Parti Constitutionaliste Indochinois) là một chánh đảng hoạt động ở Nam Kỳ từ năm 1923 đến khoảng thập niên 1930 thì chấm dứt. Đảng này do Bùi Quang Chiêu, một kỹ sư canh nông, có quốc tịch Pháp, cũng là hội trưởng Hội Trí Tri và chủ bút tờ báo La Tribune Indochinoise thành lập.

…Trong không khí ấy,

2/ Đại Việt Quốc Dân Đảng với chủ thuyết Dân Tộc Sanh Tồn: 

Bảy mươi bảy năm đã qua, Đại Việt Quốc Dân Đảng và các đảng viên Đại Việt luôn luôn có mặt và đứng cạnh nhơn dân Việt Nam trong đấu tranh chống Thực dân, giành Độc lập, trong đấu tranh chống Cộng sản, giữ đất nước tự do. Từ những chiến khu Kép, Lạc Triệu, ở miền Bắc đến An Điền, An Thành, Bình Xuyên, miền Nam … vang danh thời kháng Pháp. Toàn đảng viên Đại Việt trong suốt thời gian từ Quốc gia Việt Nam đến Đệ nhị Cộng hòa dân chủ, với “chủ thuyết dân tộc sanh tồn” vẫn một lòng, đồng bộ, phục vụ đất nước.

Bắt đầu năm 1964 trở đi, Tân Đại Việt ở miền Nam, Đại Việt Cách mạng ở miền Trung, ra mặt công khai hoạt động, tham gia chánh trị dưới hình thức Đảng chánh trị, tức là Đảng quần chúng, tham gia sanh hoạt chánh trị hiến định và pháp định, tham gia chánh quyền hay đối lập hiến định. Đấy là nhờ Đại Việt có một chủ thuyết khác với những chủ thuyết chánh trị hay cách mạng khác: chủ thuyết Dân Tộc Sanh Tồn, rất cởi mở. Với cái thuyết

Biến Cải:

Ngay từ lúc đầu vào thời điểm năm 1939, Đảng trưởng Trương Tử Anh đã nói đến “thuyết biến cải”. Chấp nhận một chủ thuyết có thể biến cải. Và, lại được Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy luận rộng thành một sức mạnh! Biến cải để theo phát triển, để phát triển và sanh tồnNhư vậy! Chủ thuyết luôn luôn được cập nhựt phù hợp với tiến trình khoa học, với môi trường hay quy trình thay đổi xã hôi. Do đó, phải mở;

Dân tộc sanh tồn mở với thế giới, mở với toàn cầu hóa: 

  Mở: mở cửa, mở duy quan, mở tâm thức, mở tư tưởng, dám đặt lại vấn đề. Làm cách mạng thường trực. Nhựt nhựt tân hựu nhựt tân.

Mở tư tưởng chưa đủ, phải mở bàn tay, mở con tim. Tiếp nhận bạn mới, chấp nhập đối thoại, chấp nhận đối lập, bàn cải. Mở ngay từ thời Quốc gia Việt Nam vừa Độc lập, vừa lập chế độ Tự Do đến thời Cộng hòa đến ngày tan hàng, “Đảng Đại Việt ta có mặt tham gia cầm quyền”.

Và ngày nay chúng ta cần phải mở nữa. Mở để sanh tồnChúng ta phải sanh hoạt mở, phải tìm bạn mới. Con đường đấu tranh ở hải ngoại hướng về đất nước muôn mầu muôn sắc. Chúng ta không thể tìm sự đồng thuận hoàn toàn, chúng ta chỉ tìm một mẫu số chung nhỏ thôi. Việt Cộng ngày nay tạo một cơ hội rất lớn để chúng ta lật đỗ nó. Nhưng làm thế nào? Hãy đồng thuận trong cái ý chí là lật đổ chế độ cộng sản trước đã. Và tham dự mọi đấu tranh với các cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản địa phương ở hải ngoại. Mỗi địa phương mỗi sắc thái. Và phải tham dự thật sự! Mỗi chúng ta, mỗi người Đại Việt, phải tham dự với với tất cả Con người Đại Việt ở mỗi chúng ta. Con người Đại Việt, với Dân Tộc Sanh Tồn phải “đoàn Kết Sanh tồn” với các phần tử yêu nước khác của cộng đồng Việt Nam bảo vệ Không gian Sanh tồn Dân tộc Việt Nam, ở hải ngoại hay ở quốc nội để mãi mãi giữ cái tinh túy, cái gốc, văn hóa, chữ viết, và cái giang sơn, toàn vẹn lãnh thổ, toàn vẹn văn hóa, toàn vẹn linh hồn Dân tộc Đại Việt!

3/ Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy nhà giáo dục với viễn kiến cán sự: 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vốn cũng đã là một Giáo sư Trường Quốc gia Hành chánh Việt Nam, nên ông biết rõ và nắm rõ phương thức đào tạo một công chức hành chánh quốc gia. Ông thường so sánh hai phương thức quản trị các cơ quan hành chánh công cộng, và quản trị các xí nghiệp tư doanh thương mại hay kỹ nghệ. Cũng như guồng máy hành chánh quốc gia, các xí nghiệp tư cũng có nhiều từng hoạt động khác nhau trong giây chuyền sản xuất và trong giây chuyền trách nhiệm.

Trường Quốc gia Hành chánh đào tạo hai cấp bực nhơn viên chuyên nghiệp, Cán sự và Đốc sự.

Ở các xí nghiệp tư cũng vậy, cấp điều hành trách nhiệm, lãnh đạo, giám đốc, với các chuyên viên có đẳng cấp Đại học, Cử nhơn, Cao học, Kỹ sư… nhưng ở cấp phần hành, văn phòng, xưởng là do các chuyên viên thừa hành kinh nghiệm với nghề nghiệp chuyên môn như … thư ký, thợ máy chuyên nghiệp …. Ở Việt Nam lúc bấy giờ, tại các xí nghiệp tư, … các ngân hàng, … các doanh thương nghiệp, các phần hành đều do các cô, các thầy thư ký, luyện tập tại chổ, sống lâu ra lão làng, thường thường do các trưởng văn phòng điều hành, giảng dạy, truyền nghề. Với những thao tác, tập tục … và quen việc; và … bộ máy hằng ngày cứ thế mà chạy, nhưng rất thuần và chuyên, rất hữu hiệu.

Do đó, Thầy Nguyễn Ngọc Huy nhận định rằng, ở Việt Nam, có các Trường Đại học đào tạo cấp Cử nhơn, Cao học… nhưng muốn học các phần hành cấp Cán sự, hoàn toàn không có!

Vì vây, chúng ta nên phải sửa soạn ngay tương lai một Việt Nam hậu chiến, vì chắc chắn, với hậu chiến, Việt Nam sẽ đương nhiên, phải có một thị trường doanh thương nghiệp tư nhơn. Và tất nhiên, rất cần những chuyên môn phần hành ngành nghề, những phần hành dịch vụ… Các phần hành nghề nghiệp ấy sẽ là những môn khoa học thực dụng! Phải được đào luyện! Các sanh viên phải học và làm quen với những tập tục doanh nghiệp, với những thái độ doanh thương, với những suy nghĩ, não trạng văn hóa thương nghiệp, thế nào là nghiên cứu thị trường, là những biểu đồ, tổ chức …!

Trường Cao Đẳng Thương Mại Minh Trí là tầm nhìn, là một chương trình chuyên ngành. 

Thầy Nguyễn Ngọc Huy và các anh em trong nhóm nghiên cứu tổ chức một chương trình giáo huấn đào tạo những chuyên viên thương mại kiểu các Écoles Supérieures de Commerce -  Các trường Cao đẳng Thương mại - của Pháp. Chương trình và tổ chức cũng tương đương như vậy và nhưng sẽ được thực dụng hơn để dễ áp dụng vào mô hình một thị trường chậm tiến kiểu Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy là người có cái viễn kiến ấy cho một Việt Nam đang cần sẽ phải xây dựng. Tầm nhìn chánh trị, tầm nhìn kinh tế phải đi đôi với một viễn kiến giáo dục.

Chương trình đào tạo của chúng tôi sẽ tạo ra những cán sự sau 2 năm; học một cách thực dụng với những xưởng thực tập (work shops). Những quan niệm lãnh đạo (management), hành sự (exécution), tổ chức hành chánh, những sơ đồ sản xuất, nghiên cứu sản xuất-recherche opérationnelle, chúng tôi đang sử dụng, áp dụng tại hảng BGI sẽ giúp Trường. Sau hai năm, các em tốt nghiệp Cán sự và có thể đi làm ngay, bắt tay vào việc không bở ngỡ. Nếu muốn học thêm, chương trình cử nhơn gồm những chứng chỉ (units) chuyên môn hiểu biết: 5 units một năm, đủ 10 cái có cấp bằng cử nhơn.

Chương trình đầy tham vọng. Chương trình được sự ủng hộ của Thầy Nguyễn Ngọc Huy và Thầy Nguyễn Văn Ngôn.  Hai vị chẳng những cùng sáng lập, cọng tác giảng dạy với chúng tôi mà còn đở đầu cho chúng tôi đứng mủi chịu sào, trong vai trò khoa trưởng, lèo lái con thuyền Trường Cao Đẳng Thương Mãi đầu tiên tại Việt Nam. Các đồng sáng lập viên khác là các anh Bác sĩ Mã Xái, Đỗ Thành Chí, Nguyễn Hoàng Vinh và Trần Minh Xuân. Hôm nay Phan Văn Song chúng tôi, xin có đôi lời cám ơn, và vinh danh quý anh.

 

Với hệ thống quen biết của chúng tôi - chúng tôi đại diện hảng BGI - giữ chức vụ Tổng thư ký hai Phòng Thương mại Việt Nam và Phòng Thương mại Pháp Việt. Với hệ thống ấy, chúng tôi sẽ nhờ giúp đở, cho các sanh viên tập sự vào mùa hè (bắt buộc). Chúng tôi cũng đã nghĩ đến một khoản thù lao cho sanh viên tập sự ấy - từ 15 đến 20 000 đồng VN lúc bấy giờ. Số tiền ấy sẽ giúp sanh viên phấn khởi tập sự - và các công ty sẽ không ngần ngại sử dụng thực sự các sanh viên tập sự như những công nhơn.

Các công ty Pháp và ngoại quốc mà chúng tôi đã liên lạc đã nhận lời sẳn sàng giúp đở và sẽ nhờ trường đào tạo nhơn viên của mình thêm. Một chương trình trao đổi doanh nghiệp / Trường học đã được viết thành dự án (lần đầu tiên ở Việt Nam bấy giờ).

Trường ra đời 25 tháng 11 năm 1974 và chết với ngày 30 tháng 4-1975 cùng với đất nước.

Thay lời kết: 

Kết Sanh:

“Anh sao lo chuyện ở ngoài không vậy, không lo chuyện trong nhà!»  là một câu khiển trách các anh chị em Đại Việt ta thường nghe. Trong nhà chúng ta chung nhau lo, bên ngoài chúng ta phải phụ lo cùng người ta, để tìm sự ủng hộ và đồng thuận. Các đảng viên phải lo tròn phần hành của mình, biết gánh vát với cái chuyên môn của mình. Đó là công việc của một Cán sự! Vì vậy cần chất phẩm và đạo đức.

“Chính đảng viên làm cho Đảng lớn chớ không phải Đảng làm cho đảng viên lớn”.

 Và Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng đã từng nói: " Tổ chức chỉ là phương tiện để mình tranh đấu"

“Không Gian Sanh Tồn” là cái Mở của “Dân Tộc Sanh Tồn”; và cái Mở của “Không Gian Sanh Tồn” là “Kết Sanh». Mỗi con người có một không gian sanh tồn. Một người nam, một người nữ chung nhau kết hai cái “không gian” mình lại để thành một gia đình, “Kết sanh” ấy là vợ chồng, là gia đình. Nhiều gia đình là xã hội, nhiều xã hội là cộng đồng, thành phố, làng xã, đất nước.

Áp dụng vào trong sanh hoạt hằng ngày của chúng ta. Trong đời sống hằng ngày, nơi việc làm, nơi địa phương chúng ta cư ngụ, hội nhập với người địa phương, với láng giềng, kết sanh sanh hoạt kinh tế. Trong cộng đồng, nơi chúng ta sanh sống, hội nhập sanh hoạt với những đoàn thể bạn, kết sanh sanh hoạt xã hộiTrong đất nước nơi chúng ta cư ngụ, tham gia những hoạt động chánh trị, như những bầu cử các nghị viên, các dân biểu, đại biểu, kết sanh sanh hoạt chánh trị. Lo tròn phần hành một cán sự trước khi đi đến lãnh đạo, công việc một đốc sự.

Viễn kiến cán sự của Giáo sư Huy dạy chúng ta như vậy!

Có Yêu nước, có tham gia vào xây dựng nước, mới có trưởng thành chánh trị. Có trường thành chánh trị, mới có tầm vóc quốc gia để tham gia vào vận mệnh quốc gia. Có quốc gia tử tế, hùng cường mới tham gia góp mặt với quốc tế được!

Kính mong!

Hồi Nhơn Sơn, Ngày Quốc Khánh Pháp, 14 tháng bảy 2017

Phan Văn Song


Vài Hàng Cùng Các Đồng Môn Thầy NGUYỄN NGỌC HUY: (bài 1)

Vài Hàng Cùng Các Đồng Môn Thầy NGUYỄN NGỌC HUY: (bài 2)