Chuyện xưa chuyện nay, luận bàn chuyện the phòng trong Truyện Kiều, giải thích một số từ khoá "bí kíp" phòng the của dân "chơi".
***
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" (thường gọi là "Truyện Kiều") của Nguyễn Du, đoạn thuật cảnh nàng Kiều sa vào lầu xanh, mụ Tú Bà thong dong dặn dò Kiều cách tiếp đãi khách làng chơi, có những câu:
Nghề chơi cũng lắm công phu
Làng chơi ta phải biết cho đủ điều
và:
... ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?
Ở trong còn lắm điều hay,
Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.
Này con thuộc lấy nằm lòng,
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.
Ở đây :
"Vành ngoài" là bề ngoài, cách đối đãi bề ngoài với khách.
"Bảy chữ" là bảy việc ghi bằng bảy chữ để dễ nhớ. Bảy việc này là bảy việc làm ở ngoài để khách say mê.
*
Vành ngoài bảy chữ: (khốc, tiễn, thích, thiên, giá, tẩu, tử)
1. Khốc : Có nghĩa là khóc, dùng nước mắt để tranh thủ lòng thương cảm của khách làng chơi. Phải khóc lóc như thật để chứng tỏ mình thành tâm, thiệt ý. Tú bà đã dạy Kiều dùng nước gừng non sống tẩm vào khăn tay để lau nước mắt thì nước mắt sẽ không khô mà còn tuôn ra như suối. Hay ở chỗ là sau khi khóc nhiều cũng sẽ ít làm đỏ mắt, nhức mắt, hay sưng mắt. Nước gừng nếu pha thêm vài vị thuốc nam lành tính thì sẽ giúp đạt được hiệu quả tối ưu nhất.
"Mỹ nhân lệ, quân tử hàng."
Chuyện về nước mắt mỹ nhân nhiều không sao kể hết được, mỗi thời mỗi có, chỉ có thể đặc sắc hơn chứ không thể ít hơn. Nếu mà buộc phải kể ra thì không thể không nói đến một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa xưa, chính là nàng Điêu Thuyền. Xin mượn đôi lời của người xưa mà ghi chép lại.
"Mười tám lộ quân chư hầu không giết nổi Đổng Trác, mà một thiếu nữ đào tơ liễu yếu như Điêu Thuyền lại giết nổi Trác. Ba anh em Lưu, Quan, Trương hùng liệt không thắng nổi Lữ Bố, mà chỉ một nàng Điêu Thuyền thắng nổi. Ôi, lấy chăn chiếu làm chiến trường, lấy son phấn làm khôi giáp, lấy mày ngài làm cung nỏ, lấy nước mắt nũng nịu làm tên đạn, lấy lời tình tứ ngọt ngào làm chiến lược mưu cơ. Xem thế thì cái bản lãnh của "nữ tướng quân" quả là tuyệt cao cường, đáng sợ thay!"
Xin đừng ai coi thường nước mắt của nữ nhân, thứ vũ khí đó không phải dễ chống lại được đâu. Chính tôi đây lỡ có gặp thì buộc lòng phải bỏ chạy. Bởi nếu không chạy thì chính là sẽ xiêu lòng, rồi sai lòng.
*
2. Tiễn: Có nghĩa là cắt. Rủ khách cùng mình mỗi người cùng cắt một mớ tóc, kết thành một sợi rồi chia cho nhau buộc vào hai cánh tay, làm lễ “kết tóc” biểu tỏ thủy chung bền chặt, khách sẽ tưởng là mình chân thành mà không nỡ bỏ. Tốt nhất làm lễ xong thì cho vào túi gấm hoặc túi thơm, bên ngoài thêu tên hai người, hiệu quả tâm lý sẽ càng tăng.
Nguồn gốc sâu xa của việc này là xuất phát từ hai tục lệ khi xưa, một khi động phòng và một khi hạ táng.
Động phòng : Trong đám cưới của người Trung Hoa xưa, vào đêm tân hôn hay còn gọi là đêm động phòng hoa chúc, tân lang và tân nương sẽ thực hiện một nghi thức gọi là: “Giao ti kết long phượng, lũ thải kết vân hà, nhất thốn đồng tâm lũ, bách niên trường mệnh hoa”, nghĩa là: Tân lang và tân nương sẽ cùng ngồi trên giường, người con trai ngồi bên trái người con gái ngồi bên phải, mỗi người tự cắt một nhúm tóc của mình. Sau đó dùng sợi tóc dài nhất kết thắt lại bó buộc chặt với nhau, để biểu hiện vợ chồng kết tóc đồng tâm, mãi mãi yêu thương, sống chết có nhau mãi mãi không chia lìa. Luôn yêu thương ân ái tôn trọng lẫn nhau, tin tưởng không nghi ngờ lẫn nhau.
Hạ táng : Vào thời nhà Hán người Trung Quốc xưa còn có một phong tục khi tổ chức tang lễ cũng có liên quan như sau. Nếu như người vợ không may mắc bệnh qua đời, người chồng sẽ phải bẻ chiếc lược hai vợ chồng dùng hằng ngày làm đôi. Một nửa còn vương những sợi tóc của người vợ lưu lại bên mình, còn một nửa bỏ vào quan tài trôn theo người chết để biểu hiện mãi mãi không quên người vợ đã kết tóc se tơ với mình, mãi mãi ghi nhớ tình cảm vợ chồng ân ái sâu đậm.
Cơ bản là trong quan niệm của người xưa, "răng, tóc, máu, xương" là những vật có tính linh, có ý nghĩa và có giá trị khi kết nối, tương giao, hoặc dùng làm bùa ngải. Ví dụ như bùa se duyên chẳng hạn. Chính là dùng đến tâm lý hy sinh - ràng buộc.
*
3. Thích: Có nghĩa là đâm, chích. Lấy cây trâm chích vào cổ tay hay trên bắp đùi mấy chữ “Thân phu mỗ nhân” (người chồng thân yêu tên là mỗ), khách thấy vậy càng thêm yêu quý, tin tưởng ta. Cứ chích trước một lần, rồi dùng kem che lại, sau này chích lại nhẹ thôi, chính là khơi lớp kem thì chữ sẽ hiện ra. Như vậy sẽ lâu dài và ít đau.
Cái này thì thời nay cũng có, mấy anh chị cô cậu yêu nhau thỉnh thoảng cũng có lúc bốc đồng, xăm tên của người yêu trên người rồi chụp hình khoe các kiểu. Sau thì xóa hoặc kiếm hình khác xăm đè lên. Mực xóa được, da tẩy được, vậy nên đừng dùng nó để minh chứng cho cái gì cả, tôi chỉ muốn nói vậy thôi. Còn muốn bốc đồng thì cứ cắn nhau hay mút nhau là được rồi, tác dụng cũng không kém đâu.
*
4. Thiên: Có nghĩa là đốt, dùng hương đốt vào sáu huyệt của chàng và nàng. Sau khi thề thốt, cả hai áp người vào nhau cùng đốt các huyệt trên bụng, trên cánh tay, cổ tay. Mánh khóe này thuộc phạm vi “khổ nhục kế”. Là dùng trầm hương để đốt, có thể coi như một cách châm huyệt bằng nhiệt độ.
Cách này khó, phải học kỹ mới làm đúng được, sáu huyệt kia tương truyền là "lục tiệt dục huyệt", có tác dụng kích thích dục tính, chủ yếu là ở nam nhân. Cách này còn có một cách luận khác, đó là sau khi bị đốt sáu huyệt, thì vị khách kia sẽ vô cùng bị kích thích, dồn hết dương khí vào việc giao hoan ngay sau đó. Khiến cho khi về nhà gặp vợ, thì dù có muốn cũng bất lực (sài hết rồi). Khiến khách nhân lệ thuộc vào phương pháp đốt huyệt đó, chỉ khi đến lầu xanh thì mới được thỏa mãn, lâu dài thì chính là hại nhiều hơn lợi. Chính là ý nghĩa của chữ "tiệt" trong cách gọi tên sáu huyệt đó.
Còn với nữ nhân, mà ở đây là nói đến những người trong lầu xanh, trộn một chút mỡ lợn với sáp ong bôi vào trước, rồi lấy phấn đánh cho mờ đi. Thì khi đốt sẽ cháy khói và lưu sẹo bỏng y như thật, xong xuôi thì chỉ cần rửa nước là sạch. Có thể dùng cách này để vờ tự đốt mình trước, rồi mới dẫn dụ khách đốt sau. Là tuyệt chiêu trong tuyệt chiêu, là ém khách quen khiến họ không thể rời.
*
5. Giá: Có nghĩa là cưới hỏi làm vợ chồng. Sau khi điều tra biết khách là kẻ giàu có thì thủ thỉ, rủ rê, bàn chuyện cưới nhau. Tất nhiên khách muốn cưới thì phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc mình ra. Khi đã xài hết tiền thì tìm cách lật lọng để đuổi khéo khách đi. Cũng có thể dùng tú bà làm rào chắn, nói là giá cả tăng lên, mặt dày thì nói là tiền bị trộm mất, cần chuộc lại từ đầu.
Cái này thì..
Bắc thang mà hỏi ông trời,
Đem tiền cho gái có đòi được không ?
Không bàn thêm hướng đó nữa.
Mà nói thật, chốn bụi hồng cay đắng ân tình ấm lạnh, chuyện gì họ cũng trải qua hết rồi. Cho dù ngay lúc đó là vị khách kia có thật lòng thì sao ? Có ai trai tơ mà đi lấy gái lầu xanh hay không, còn gia đình dòng họ nữa chứ, rước được về thì rồi liệu sống có được yên ?
Còn mấy lão gia, mấy ông chủ kia, ai mà không vợ con đề huề, họ phụ bạc người chung thân cả đời của họ được, thì họ cũng phụ bạc mình được. Trẻ đẹp thì đã sao, trẻ đẹp mãi được à, cái gì mua bằng tiền thì cũng đều có hạn sử dụng hết. Tới lúc hết hạn rồi thì liệu có còn đủ sức để quay về lầu xanh kiếm ăn hay không ? Còn chưa nói tới việc cái quá khứ phấn son kia nó đeo bám. Chữ "nghiệp" khó thấy, nhưng không phải là không có.
Tốt nhất là cứ kiếm tiền, vì tiền cái đã, rồi khi đã hết thời thì hãy tính đến chuyện đi phương trời khác mà mưu sinh, sống bình yên hoặc làm lại từ đầu, sao cũng được.
*
6. Tẩu: Có nghĩa là chạy. Đây là kế “đà đao”. Nếu thấy dan díu đã lâu, khách đã hết tiền, muốn chuộc không có tiền mà muốn chơi cũng không còn tiền đâu chơi tiếp thì chỉ còn cách tống khứ khách đi cho rảnh. Lúc ấy phải giả vờ rủ khách đi trốn, hẹn giờ hẹn chỗ nhưng không đến, đánh tiếng cho lính đi bắt kẻ bỏ trốn, thế tất khách phải sợ mà trốn thật. Nếu cần thì thuê họa sư vẽ giấy truy nã, rồi dán gần cổng lầu xanh, hiệu quả chắc chắn tốt.
Cách này phải cao thủ mới vận dụng tốt được, đã từng nghe thấy chuyện vợ bé cố tình thông báo để vợ lớn tới đánh ghen chưa ? Chỉ cần tự sắp xếp thủ thân sao cho tốt là được, còn lý do là vì mấy ông có vợ bé lại hay ghen ghê lắm. Bản thân thì không thể rước người ta đường đường chính chính về ở với mình được, mà cứ một hai bắt người ta phải chung tình. Bắt đầu bằng cái gì thì kết thúc bằng cái đó, hết tiền thì hết tình thôi, quá đơn giản và dễ hiểu.
Vợ bé kia còn phải tính đường tìm nguồn tiền khác nữa chứ, thử hỏi có ai đi làm vợ bé mà lại chịu cày cuốc vất vả trong công xưởng hay trên đồng ruộng hay không ? Vợ bé là phải cày trên giường, và tiền là phải bay ra từ cái giường đó, không tiền thì không cho cày, vậy thôi.
*
7. Tử: Có nghĩa là chết. Chết giả chứ không phải chết thật. Thề thốt cho họ tin là mình yêu họ, chỉ biết có họ thôi, nếu không tin thì chết ngay tại chỗ, trước mắt cho chàng thấy. Nếu biết y có thê thiếp rồi, không thể lấy mình được thì càng làm già đến độ rủ y “cả hai cùng chết hơn là chẳng lấy được nhau!”. Lúc đó, có tán gia bại sản, đem hết bạc tiền ra dâng cho mình, y cũng không tiếc. Là tới cái mạng thiếp còn không tiếc trao cho chàng, không lẽ chàng lại tiếc tiền với thiếp.
Cái này thì thôi không bàn, hồi giờ không có quen viết mấy chuyện chết chóc, chết giả cũng không muốn viết. Cơ bản là có anh nào đang yên đang lành mà nhận được tin nhắn của 'tiểu hồ ly' : "anh mà không...thì tôi chết cho anh xem."
Cứ bình tĩnh, chính là họ đang đợi mình tới xem rồi họ mới bắt đầu đi chết. Không vội, ghé cây ATM thì sẽ giải quyết vấn đề đó được tốt hơn.
Mà nói thật, đàn ông một hai lần đầu có thể lú, có thể ngu, chứ nhiều thì sẽ bớt đó. Nên về lâu dài thì cách này sài không ổn đâu, nên để dành làm quân bài cuối, dùng để hốt cú chót thì tốt nhất. Bởi thường nếu buộc phải dùng đến cách này thì giai đoạn yêu đương có lẽ đã qua giai đoạn mặn nồng nhất. Chốt hạ được rồi, làm sao cho đẹp với cho đầy là được.
Cơ bản là đời bạc, người bạc, ta bạc, tình bạc, và cuối cùng là vì tiền bạc. Bảy chữ kia là che lấp chữ bạc đó mà thôi, người vui ta vui là được. Đàn ông thôi không muốn nói, còn phụ nữ mà có cái quan điểm "ăn bánh trả tiền" thì là rất ngu, rất hạ giá của mình. Chữ "tình" lúc nào cũng đứng trước và đắc giá hơn chữ "dục", tình giả tiền thật mới là thông minh nhất.
Bán thân vất vả tính theo lần
Bán tâm thong thả tiền tự trao.
***
Bảy chữ vành ngoài chủ yếu là về tâm lý, là các cách chiêu dụ lừa gạt khách làng chơi, trong thực tế hiện tại thì mọi người cũng có thể đôi chút sử dụng để hâm nóng lại chuyện tình cảm. Chỉ cần đừng quá mức hoặc quá lạm dụng là được.
Cái gì là kinh nghiệm, là kiến thức, là bản lĩnh trong yêu đương, giường chiếu ? Bảy chữ kia nó chiếm 1/3 rồi đó.
*
Còn về "tám chữ vành trong" thì "ghê" lắm, nó thuộc về sinh lý, cũng như các kỹ năng và biến thể của kỹ thuật the phòng, cũng như là làm biến đổi, biến dạng một số điểm trên bộ phận cơ thể, là chỉnh sửa, tập luyện, và rèn luyện. Nếu như bảy chữ vành ngoài là để câu dẫn chiêu dụ, thì tám chữ vành trong là để hút hồn, mê hồn theo đúng nghĩa đen. Nếu biết cách áp dụng chính xác thì gọi là 'bùa mê thuốc lú' cũng không quá đáng, giúp một phụ nữ ngũ tuần, lục tuần làm mê mệt chết lên chết xuống năm bảy anh thanh niên trai tráng là chuyện bình thường, chưa chắc đám gái xuân mơn mởn có thể so sánh được. (Ví dụ như cách để "cưỡng tinh", tức là khiến thời gian cực khoái khi xuất tinh của nam nhân kéo dài ra. Nó hoàn toàn là một phương pháp khoa học.)
Sau này tôi sẽ biên soạn tám chữ đó thành một bài viết hoàn toàn mang tính khoa học, sinh học và tâm lý học. Với các thuật ngữ và danh từ chính xác cụ thể, cùng các phương pháp và bước thực hiện rõ ràng, không chút thô tục hay thô thiển, có đầy đủ giá trị để nghiên cứu và học hỏi.
Chính là kế thừa kinh nghiệm the phòng mấy ngàn năm của phương Đông, và kết hợp với khoa học thực nghiệm phương Tây, để đưa ra kết quả không hẳn là tuyệt đối chính xác, nhưng chắc chắn là đã tốt nhất có thể.
*
Biên soạn: Trương Lang Vương
Trích lục từ bài viết của thầy giáo, bác sĩ, nhà sử học, Huế học, tác giả Hồ Đắc Duy. (1944 - 2018)
*
Tâm lý, và đặc biệt là sinh lý, là một đề tài được coi là nhạy cảm ở Việt Nam. Việc thiếu những bài viết, cũng như những nghiên cứu về nó chính là một thiệt thòi cũng như khiếm khuyết rất lớn trong nền tri thức Việt.
Ở những bài viết sau tôi sẽ trích dẫn rất nhiều thông tin của các nhà nghiên cứu đi trước trong nước, cũng như trích dẫn các thông số đã qua xác minh của các bài viết ngoài nước. Hy vọng sẽ trở thành một nguồn tài liệu tham khảo cho các bạn, các em, các trò muốn nghiên cứu thêm.
P/s: Tranh minh họa "Mây mưa" (Vân vũ - Yunyu), tác phẩm từ đời Thanh (Chinese Painting, Qing Dynasty).
(st) ❤ ❤