Michael Bùi, 5/10/2019

Theo thống kê của American Truck Associations (ATA). Xe tải chạy chằng chịt trên nước Mỹ mỗi năm vận chuyễn 10 tỷ tấn hàng hóa. Hiện nay có khoảng 3. 5 triệu tài xế có bằng lái CDL (Commercial Driver License Class A-B) mà 6% là đàn bà phụ nữ. 15 triệu chiếc xe tải, trong đó 2 triệu là Tractor (kéo Trailer) còn gọi là Semi Truck hay Bobtail. Thông thường trên các xa lộ liên bang. Tractor chuyên dùng để kéo Trailer 53 feet. Trailer loại 40 feet thì dành cho tàu hàng, loại này kéo từ cảng về warehouse còn gọi là intermodel, và ngắn hơn nữa thì chỉ thấy trong thành phố hay ở những quảng đường ngắn.

Hàng năm nước Mỹ cần thêm 120,000 tài xế nên rất thiếu hụt. Dân đông kinh tế càng phát triển thì tài xế lại càng cần nhiều. Lý do là vì nghề tài xế xuyên bang tuy có tiền nhưng cũng vất vả. Tài xế mới vô không đủ bù cho số lượng về hưu hay bỏ nghề, cộng với số lượng tài xế cần thêm cho hàng năm.

Nghề vận chuyễn hàng hóa cũng đơn giản: Công ty gửi hàng (Shipper) đưa mối cho Freight Broker, Broker đưa cho chủ xe có thùng 53 feet, chủ xe giao cho tài chạy đi lấy, rồi tài đem đi giao cho khách hàng (Receiver). Hàng lạnh thường là thực phẩm thì gọi là hàng Refer, hàng khô thì gọi là dry load. Hàng khô chở đủ thứ thượng vàng hạ cám, Trailer họ sẽ ráng chất đầy vô, tối đa là 45,000 lbs ráng chở thật nhiều cho giá cước rẽ đi. Làm chủ may mắn, xe ra đường ít có chuyện xảy ra và có mối nhiều thì hốt bạc. Còn xe ra đường hay bị rủi ro, hư, va chạm nhiều thì lỗ chỏng gọng. Có khi phải móc tiền túi ra đền, không dám thò bảo hiểm ra vì sợ bị tăng hay bị hãng bảo hiểm không bán cho nửa.

Tất cả đều phải theo luật lệ của chính phủ Department of Transportation (DOT); dưới sự kiểm soát chặt chẻ của Federal Motor Carrier Safety Administration (FMCSA).

FMCSA họ rất khắt khe, hàng năm họ xuống audit hồ sơ sổ sách của chủ. Họ chú trọng về cách quản lý, trông coi tài xế coi có vi phạm chạy quá giờ hay không,nội quy drug test cho tài xế thế nào, và xe có đủ an toàn qua quá trình bảo trì? Nghĩa là hãng xe truck nào bị chận ngoài đường và lãnh ticket càng nhiều thì hồ sơ điểm xấu càng cao, chủ lại càng bị rờ gáy thường xuyên và bất chợt. Sau khi audit họ sẽ cáo cáo về FMCSA và chấm điểm. Xấu quá mà không chịu thay đổi sẽ bị rút lại licence, còn gọi là Authority.

CÁCH VÔ NGHỀ:

CHỦ XE:

Muốn làm chủ thì dĩ nhiên phải bắt đầu bằng 1 chiếc Tractor và 1 Trailer 53 feet có nhún bằng hơi. Tractor có thể chạy tới 1,500,000 miles. 500,000 miles kể như còn mới, xe còn chạy được vài năm. 1,000,000 miles cũng còn OK nếu chịu tu bổ bảo trì. 1,500,000 miles thì máy bắt đầu rệu. Xe truck mua bây giờ mắc hơn hồi xưa vì California bắt phải có hệ thống lọc khói cho bất cứ xe truck muốn vào bên trong tiểu bang. Hệ thống này gọi là diesel particulate filter (DPF). Xe truck đời từ 2010 phải có hệ thống ấy, còn xe đời cũ nếu muốn vô phải gắn thêm vào nếu không mỗi lần bị bắt sẽ bị phạt cả ngàn đồng. Nội gắn hệ thống này không cũng tốn cả chục ngàn nên cũng có rất nhiều xe truck không dám vào California.

Đầu tiên:

1/ Điền đơn với DOT xin số liên bang DOT # và MC # (Motor Carrier #).

2/ Cấp tiểu bang, tại CA thì lấy số CA# (California Motor Carrier Permit), số này do Department of Motor Vehicle (DMV) cấp.

3/ Mở IFTA account (International Fuel Tax Agreement) thuộc California Department of Tax and Fee,

4/ Ghi danh với UCR (Unified Carrier Registration).

5/ Lấy bản số xe Apportioned Plate, bản số xe này có quyền chạy khắp 48 tiểu bang (trừ Hawaii và Alaska)

6/ Mở account Employer Pull Notice Program với DMV. Để nếu tài có bị gì, say rượu, đụng xe hay ticket. DMV báo cho chủ biết liền.

Rồi đi mua bảo hiểm, xe ít nhất phải có 750,000$ liability/100,000$ cargo. Sau khi có bảo hiểm FMCSA sẽ cấp cho chủ xe cái license còn gọi là Authority. Có Authority rồi xe mới bắt đầu được ra đường được. Gía bảo hiểm trung bình hàng năm cho 1 chiếc Tractor vào khoảng $18,000 - $20,000/yr. Ngoài ra chủ xe còn phải mở account với:

7/ NY HUT (New York Highway Use Tax),

8/ KYU (Kentucky Highway Use);

9/ New Mexico WDT (New Mexico Weight Distance Tax);

10/ Oregon PUC (Oregon Public Utilities Commission)

Để hàng năm công ty (CT) xe truck phải khai thuế riêng với họ, nếu không xe chạy vô biên giới tiểu bang đó sẽ bị đóng thuế mỗi lần vì không có account.

Khi đã có Authority thì chủ phải lo kiếm hàng, có nhiều cách:

1/ Qua giới thiệu,thương lượng thẳng với Shipper để khỏi phải qua trung gian, còn gọi là hàng mối.

2/ Đăng quảng cáo, phát flyer giới thiệu CT của mình, chủ yếu là đánh vào những CT cần gửi hàng đi các nơi.

3/ Vào Load Boards. Mỗi ngày trên nước Mỹ có cả trăm ngàn load từ đông sang tây, từ bắc xuống nam. Lớn có, nhỏ có, nặng có, nhẹ có, xa gần. . v. . . v. . . tùy theo giá. Những load board lớn do Freight Brokers post lên như: Internet Truck Stop, Trucker Edge, 123 Load Board, Direct Freight, DAT, Get Load. . . v. . v. .

4/ Vào thẳng những Carriers/Brokers lớn, họ có load board riêng như: Land Star, Schneider National, XPO Logistics, Swift Transportation, CH Robinsons, CR England. . v. . v. .

5/ Hay liên lạc thẳng với những Logistics. Logistics là những CT vận chuyển hàng hóa. Thường thì họ nhận những kiện hàng nhỏ gửi nhiều nơi, xong gộp lại đưa cho Carrier (chủ xe). Đâm ra khi pick up thì 1 lần nhưng drop off thì nhiều lần ở nhiều chỗ khác nhau.

Hầu như ở TP nào, vùng nào ở khắp nơi 48 tiểu bang, họ đều có hàng sẵn chỉ chờ xe truck tới nhận hàng mang đi giao. Tuy rằng họ cũng có hàng ngàn xe trucks, nhưng vì hàng quá nhiều chạy không xuể, họ cũng phải cần đến những xe truck cò con bên ngoài.

Thường thì sáng sớm, chủ hay nhân viên còn gọi là Dispatcher, sau khi kiếm ra load trên load board tùy theo tài đang ở đâu, họ gọi Broker thương lượng giá cả, xong Broker sẽ gửi contract qua cho ký rồi họ đưa pick up #, sau đó Dispatch sẽ text cho tài với đầy đủ information, rồi tài cứ việc chạy tới địa chỉ đó đưa pick up # mà lấy hàng. Hàng ra đường phải có Bill of Lading (BOL) do Shipper đưa cho.

Hàng khi giao xong, Receiver sẽ ký vào BOL; Cái BOL này từ ngoài đường tài sẽ fax về và chủ sẽ gửi cho Broker để lãnh tiền. Có Broker trả liền nhưng họ chận lại 2-3% tiền Fee, còn không thì khoảng 30 ngày sau họ mới trả.

Broker nào không trả liền phải chờ, mà chủ kẹt cần tiền để trả tiền tài tiền dầu thì cũng có chỗ mua cái Bill này, còn gọi là Factor. Factor company họ cũng ăn phần trăm và tiền họ sẽ gửi thẳng vô bank cho chủ trong vòng 24 tiếng sau khi nhận được BOL. Nếu chẳng may bị Shipper xù không trả thì Factor chịu, nhưng họ ăn tiền phần trăm sẽ cao hơn.

Chủ không nên khó khăn tính toán quá với tài xế vì tài là linh hồn của hãng. Tài giỏi tốt bụng không gây phiền phức nghĩ ngang sẽ mang lợi tức rất nhiều cho chủ, nên phải đối xử tốt với họ. Nhưng cũng đừng nên dễ quá miễn sao cho công bằng hợp lý. Thẻ dầu xài ngoài đường là tiền. Cái gì cũng mua được kể cả "cash advance" tại Truck Stop nên phải cẩn thận. Chứ không tài xế mua cái gì cho cá nhân cũng tính vào thẻ dầu. Chủ có 1 chiếc & 1 tài xế thì còn dễ. Nhưng nếu có 5-7 xe truck thì rất mệt. Không cảnh báo nhắc nhở trước, khi tài xế về đổ invoices/receipts ra cả đống thì không cách chi mà ngồi đó kiểm chứng từng cái một được đâu.

Chủ xe phải lo giữ gìn sổ sách chi thu theo luật lệ cho rõ ràng. Cứ 3 tháng phải lo khai IFTA, khai đúng mua dầu ở đâu,xe chạy qua tiểu bang nào ít, tiểu bang nào nhiều, có khi còn được refund tiền fuel tax đã trả, tính trong giá dầu khi mua dầu. Hàng năm phải khai Heavy Use Tax,update DOT Biennial, gửi 1099's. . v. . v. . . cho chính xác. Mỗi tài xế, mỗi xe truck phải có folder riêng và phải dùng form của FMCSA. Sửa xe, thay bánh xe, thay nhớt. . v. . . v. . . phải giữ lại receipts rồi ghi xuống ngày mấy tháng mấy. Annual Inspection Records phải có rồi kẹp vào folder cho ngay ngắn. DOT họ không cần coi xe. Họ chỉ nhìn vào sổ sách của mình là họ biết ngay tình trạng xe cộ đến đâu rồi. Đừng có quăng tứ tung rồi khi bị hỏi đến cái gì cũng không có thì khốn. Nếu biết cách biết chuẩn bị thì không có gì mà phải sợ DOT audit. Ráng mà giữ cho CT có hạnh kiểm tốt để gắn PrePass cho xe khỏi bị lôi cổ vô inspection ở Weight Station.

Làm chủ xe phải đương đầu với mọi việc bất trắc xảy ra ở ngoài đường 24/24. Thường thì bể bánh xe, xe hư hay vi phạm lỗi khi bị DOT inspection bắt phải sửa ngay tại chỗ rồi DOT mới cho đi, hoặc tài giao hàng trễ bị Broker hối. Mà xe thì rong ruổi cả ngày ngoài đường nên cũng hay bị hư, mà hư thì ráng thức mà giải quyết bằng cách kêu Road Service tới sửa. Có khi phải câu về garage từ những nơi đồng không mông quạnh, xe cách thành phố gần nhất cả trăm miles. Tiền tow và tiền sửa xe tốn 5-7 ngàn đô-la là chuyện thường tình vì đây là Tractor Trailer. Dù sao đi nữa, bằng bất cứ giá nào chủ cũng phải lo cho chuyến hàng này giao cho đúng giờ. Nếu không thì kể như mất uy tín, Shipper/Broker sẽ không dám đưa hàng cho lần tới.

Vạn sự khởi đầu nan. Thời gian đầu khó khăn đã qua, Authority công việc đã chạy tốt thì cứ vậy mà mua thêm xe truck, thêm thùng. Một chiếc trên lý thuyết trừ hết mang về được vài ngàn. Vì thế ráng mà kiếm xe ngon, tài tốt, và cầu mong cho mọi sự trôi chảy thì nghề làm chủ xe truck cũng kiếm tiền được.

TÀI XẾ:

Nghề lái xe tải không cần giỏi tiếng Anh chỉ cần biết đủ để xã giao hàng ngày. Tài lái xe tự do ngoài xa lộ không bị ai kiểm soát như đi làm hãng. Rày đây mai đó, rong ruổi cuộc đời phiêu bạc, hôm nay TP nay ngày mai TP khác và có dịp đi tới những nơi có phong cãnh hữu tình.

Lương thì cũng khá. Một ngày cũng kiếm được vài trăm. Tài xế xe tải lãnh lương tính theo mile. Một mile trung bình hiện nay được trả: ít kinh nghiệm thì 40-50 cents/mile, nhiều kinh nghiệm hơn thì 50-60 cents/mile. Chịu đi team còn cao hơn nửa. Một ngày tài chạy trung bình cũng được 600-700 miles. Tính ra cũng có $300 - $400, tài xế nhiều kinh nghiệm thì kiếm nhiều hơn.

Chính phủ cho phép tài xế một ngày có 14 tiếng lao động, trong đó chỉ được lái 11 tiếng, còn 3 tiếng kia thì để làm những công việc khác như: bảo trì & inspection, chờ lên hàng & xuống hàng,đổ dầu, hay nghĩ giải lao. Tài xế phải nghỉ 30 phút nếu đã lái xong 8 tiếng, và sau khi lái 11 tiếng tài phải nghỉ ngơi trong phòng ngủ trong xe ít nhất là 10 tiếng. Cứ sau 60 tiếng trong vòng 7 ngày, hay 70 tiếng trong vòng 8 ngày, tài xế là phải nghỉ 34 tiếng để dưỡng sức và làm lại từ đầu (reset).

Tài xế xe tải ăn ngủ trong xe. Trên xe có sẵn mọi thứ như: Tủ lạnh, Microwave, tủ giường... v. v.. đầy đủ tiện nghi. Tài chỉ vô Truck Stop tắm, vệ sinh, và đổ dầu. Khi đổ dầu nhiều họ sẽ cho điểm để được tắm free, ăn nhà hàng free, buffet free. Tha hồ, nên những khoản này khỏi lo.

Hồi xưa còn khi dùng form (Driver Daily Log) bằng giấy để ghi. Đi tới đâu, làm gì, lúc mấy giờ. Tất cả phải ghi xuống cho rõ. Nếu bị chận lại mà bị vi phạm thì tài xế sẽ bị cấm lái trong vòng 10 tiếng để reset lại log book. Vì ghi bằng tay nên có nhiều kẻ hở. Tài xế có thể bôi xóa để kiếm cách chạy nữa tuy đã quá giờ.

Nhưng ngày nay FMCSA đã bắt tất cả tài xế phải dùng Log bằng điện tử gọi là ELD (Electronic Logging Device). ELD gắn thẳng vô máy nên nhất cử nhất động tài xế đi đâu, làm gì, ở thành phố nào, ELD sẽ ghi xuống hết. Rất tiện cho tài xế và cho DOT để họ coi tài xế có vi phạm luật hay không? Vì thế tài khó có thể mà chạy được cả ngàn miles như hồi xưa.

CÁCH LẤY BẰNG:

Tài xế xuyên bang Trator/Trailer cần CDL hạng (class) A:

1/ Class A có thể điều khiển Tractor/ Trailer (Xe tải kéo theo thùng) và tất cả trong class B và C.

2/ Class B là class xe tải trên 26,000 lbs hay xe có 3 trục (axle) như: Xe đổ rác, chở cát, xe Bus, xe cứu hỏa,xe đổ xi măng. . v. . . v. . miễn sao không kéo theo Trailer.

3/ Class C là xe nhỏ, thường như xe nhà, pickup truck, van.

Trước tiên phải đi kiếm trường chuyên dạy về Tractor/Trailer.

1/ Tuần đầu họ sẽ dạy cho cách lấy bằng viết.

2/ Khi có bằng viết rồi, họ sẽ dạy về hệ thống thắng hơi ( air break) và cách nhận diện được tất cả những bộ phận quan trọng và cần thiết của xe.

Từ buồng lái, qua tới máy của Tractor rồi tới Trailer. Những thứ này ngày đi thi, tài xế phải đứng chỉ ra cho nhân viên Nha Lộ Vận DMV, từ A-Z,nói xong cũng mất 1/2 tiếng.

3/ Sau đó họ sẽ cho lên Tractor/Trailer (Trailer loại ngắn khoảng 26 feet) để học de và cách vô hộp số 10 speed. Cứ de tới de lui, de Tractor/Trailer cũng khó vì nó ngược lại xe thường. Muốn đuôi qua phải thì xoay vô lăng qua trái, muốn đuôi qua trái thì xoay vô lăng qua phải. Phải học đủ 3 thế de (Straight Line Offset,Parallel,Alley Dock) để đi lấy bằng.

5/ Khi thấy tạm được rồi, họ cho chạy ngoài đường có thầy ngồi bên cạnh.

6/ Ra đường họ chỉ cách quẹo, up shift-down shift cho ngọt, cách điều khiển ở trong thành phố hay ngoài xa lộ sao cho an toàn.

7/ Đến lúc này thì cũng 2-3 tháng, và tài xế cũng tạm đủ bản lãnh để đi thi.

8/ Trước ngày đi thi phải đi khám sức khỏe coi có đủ sức để lái xe tải hay không. BS sẽ cấp cho Medical Card Certificate rồi đem nộp cho DMV.

9/ Đến ngày đi thi, thi sẽ có 2 phần:

- Phần đầu là diễn tả về air break và đi vòng quanh xe nói cho rõ về từng bộ phận của Tractor/Trailer.

- Phần sau sẽ thi 3 thế de và ra đường rồi lên xa lộ.

10/ Nếu thi đậu. Tài xế sẽ được cấp bằng tạm rồi chờ bằng chính gửi về.

Sau đó có thể thi lý thuyết để có quyền điều khiển những thứ khác như: Tanker (N); Hazardous Materials - Hazmat (H); Double- Triple Trailers (T); Passenger (P) . . . v. . v. . . . Có thêm endorsement thì lương mile sẽ được trả cao hơn vì có những chuyến hàng phải cần những thứ này.

Thường thì khi có bằng quá mới. Ít có hãng bảo hiểm nào chịu bán, nên chủ sẽ không mướn phải chờ vài tháng. Nếu có chỗ nào chấp nhận thì họ cho đi chung với 1 tài có kinh nghiệm để training. Tài mới nên ráng cắn răng chịu đựng cho qua con trăng này vì ma cũ thường thì hay bắt nạt ma mới, hoạch họe sai bảo đủ điều hết, làm thầy mà.

Tài xế mới hay cũ ra đường khó tránh khỏi va chạm. Nhớ thủ theo một mớ tiền mặt để giải quyết vần đề ngay tại chỗ. Chớ có thò bảo hiểm ra liền cho chúng quậy mà còn lại bị điểm xấu trên bằng lái. Yên trí đi, cho dù có kinh nghiệm cỡ nào đi nửa, trong 1 tích tắc sơ ý, cọ quẹt linh tinh sẽ xảy ra. Rồi đó là một bài học nhớ đời thêm kinh nghiệm để sau này sẽ không còn tái phạm nửa.

Trong thời gian training tài xế sẽ biết thêm nhiều điều đại khái như:

1/ Cách lái xe sao cho an toàn ở mọi thời tiết như: Mưa, bão, gió, tuyết . . v. . v. . . để Tractor/Trailer không bị lật.

2/ Cách lên đồi xuống núi, gài số hay dùng engine break để thắng không bị cháy. . . đổ đèo mà cứ đạp thắng, riết sẽ bị overheat, mà mất thắng thì rất nguy hiểm, một khối sắt 80,000 lbs lao xuống dốc không phanh mất mạng như chơi.

3/ Làm quen với các thủ tục nhận giao hàng ở Shipper/Receiver.

4/ Cách sài ELD & GPS & nhận diện những triệu chứng khi có đèn báo động hay sửa xe lặt vặt tạm thời. Cách tiết kiệm dầu cho xe. Lúc nào iddle, tắt & bật máy.

5/ Vô ra Truck Stop cho an toàn vì truck ra vô rất đông dễ quất vào nhau , tính toán tắm rữa ăn uống sao cho kịp giờ giao hàng mà không bị vi phạm luật. . . v. . . v. .

6/ Đậu xe, de xe ở mọi tình huống, ngày đêm. Ở Warehouse, Truck Stop, Rest Area, bên lề xa lộ, trong thành phố hay chọn empty parking lot ở Walmart,Target,Costco. . v. . v. .

7/ Từ từ sẽ tự tin hơn với Tractor/Trailer 53 feet. Sang số (10, 13,18 speed) sẽ thành thạo hơn.

8/ Rõ hơn về những thủ tục, phải làm gì tại Weight Station, DOT inspection.

9/ Làm quen với các luật lệ ngoài xa lộ dành cho Tractor/Trailer như cài dây chain vào bánh xe khi trời tuyết, gắn placard Hazmat, sử xự thế nào trong trường hợp Emergency.

10/ Biết cách lúc nào phải cân Tractor/Trailer cho đúng luật, cách dời bánh xe (slide fifth wheel & Tandem) cho trọng lượng hàng trong Trailer cân bằng đều. Theo luật liên bang thì khi cân, ở vị trí 2 bánh trước không được nặng quá 12,000 lbs, vị trí 8 bánh giửa không quá 34,000 lbs, và ở vị trí 8 bánh xe sau không quá 34,000 lbs. Tổng cộng không quá 80,000 lbs. Và từng tiểu bang có luật riêng. Như ở California, trung tâm của 8 bánh sau không đươc kéo xa quá 41 feet tính từ fifth wheel. Không biết thì khi bị vô Weight Station sẽ bị dính ticket.

Vài tháng sau thì tài xế đã đủ kinh nghiệm có thể ra đường một mình. Một chuyến ra đường thăm thẳm chiều trôi như vậy thường là 2-3 tuần. Vì lý do xa nhà, nhớ gia đình nên buồn chán, và có tài xế lại mang thêm bệnh tật như đau lưng, tiểu đường, cao máu vì ngồi cả ngày, nên cũng có lắm tài xế bỏ nghề như đã nói ở trên.

Nhưng họ có thể xoay qua chạy local/intermodal lấy container từ cảng. Kiểu này họ không phải ra đường xuyên bang vất vả và tối lại được ở nhà.

Tài xế (Driver) có 3 loại:

1/ Driver (Owner/Operator): Loại này nếu có MC riêng, thì họ tự lấy hàng, tự làm chủ, xe hư, đóng thuế, đóng tiền xe, bảo hiểm, ăn lời lỗ chịu họ tự lo.

2/ Company Driver: Loại này tài chỉ biết lái xe, không phải lo gì hết. Cứ chạy bao nhiêu mile thì về lãnh bấy nhiêu. Còn mọi chuyện khác thì người chủ phải lo.

3/ Lease Driver: Loại này tài Lease xe lại của hãng. Tài phải lo hết mọi chi phí nêu trên vì mình cũng là chủ (chủ xe). Nhưng thật ra sau khi hãng cộng trừ nhân chia, trừ chi phí ra thì cũng chẳng còn gì. Có điều là họ không được đi hãng khác vì xe vẩn còn trong Lease, bị dính rồi. Hàng chạy phải là từ hãng cho Lease xe đưa ra nên rất dễ bị bóc lột. Của hôi của thối họ tống hết cho Lease Driver. Dứt khoát là không bao giờ vô loại này. Thà bỏ tiền ra mua xe trả off hay đi mượn tiền nhà bank bên ngoài. Nếu không thích lấy hàng của hãng đó thì tài có thể đi kiếm hãng khác rồi chạy dưới MC của họ. Như vậy mới không bị ăn trên đầu trên cổ.

Lease Driver là một cái trò rất ác độc để cột chân người tài xế lại cho hãng dễ lợi dụng.

FREIGHT BROKER:

Đây là một vị trí ngồi mát ăn bát vàng. Freight Broker chỉ ngồi đó với cái computer rồi nhận hàng từ Shipper, post lên board rồi kiếm Carrier (chủ xe) giao cho chạy. Giá cả thì họ ém đến tận cùng. Không ai biết họ nhận được bao nhiêu từ Shipper nhưng khi đưa lại cho chủ xe thì ra giá càng thấp càng tốt để kiếm lời.

Vào nghề Freight Broker họ cũng phải:

1/ Xin DOT # & MC # từ FMCSA nhưng qua dạng Freight Broker.

2/ Mua Surety Bond 75,000$.

3/ Kiếm Shipper để lấy mối

4/ Kiếm Carrier để giao mối.

5/ Theo dõi chuyến hàng nhận/giao cho đúng giờ và giải quyết vấn đề khi có những những chuyện lộn xộn,sai lầm xảy ra.

Có thế thôi. Thường thì những Freight Broker này đã có lâu năm nên được Shipper tin tưởng mới giao load cho họ chạy. CT mới khó có thể nhảy vào, muốn vào cũng phải cần thời gian mới lấy được mối từ Shipper.

DISPATCHER:

Có 2 loại: Dispatcher làm cho hãng ăn lương và Dispatcher tự làm chủ còn gọi là Independent Dispatcher.

Independent Dispatcher chẳng cần phải có license, chỉ cần kinh nghệm và có thể làm tại nhà. Họ là người kiếm load cho chủ xe có MC và ăn phần trăm trên load. Thường là 6%, họ lo hết. Xin Broker approval cho chủ xe, lấy load mỗi ngày, giao dịch với Factor,và có khi họ lo luôn về vấn đề khai IFTA, thuế má, bookeeping này nọ.

Với kinh nghiệm. Họ có thể tìm ra good load. Hàng nhẹ, giá cao. Vô vùng đó giao hàng xong sẽ có hàng ra. Hàng đi đâu, qua xa lộ nào phải trả tiền hay qua đồi núi nào quá tốn dầu, họ tính sẵn trước khi lấy cái load đó. Có những load vô thì ngon nhưng ra thì không có hàng, phải chạy xe không qua TP khác cách đó mấy trăm miles vì do Dispatcher thiếu kinh nghiệm.

Michael Bùi

05/10/2019

Lucky Ride, Inc.

https://www.facebook.com/groups/NguoiVietHouston/permalink/2698231046918681


Remy: Vâng cám ơn anh đã chia sẻ! Anh có thể cho em hỏi? Em dự định sẽ theo nghề lái xe tải, em có 2 options đang phân vân, anh có thể cho em lời khuyên không?

#1. Em vào Prime Inc để họ giúp em lấy bằng CDL rồi em lái cho họ “as a company driver for 6 months” rồi thành “lease operator” để kiếm thêm và sẵn financing để mua đầu xe tractor từ họ luôn.

#2. Em lấy CDL từ trường học bên ngoài, rồi xin vào Schneider làm “company driver”. Sau 1 năm cũng sẽ vào “lease program” của họ để mua một đầu tractor từ họ.

Em rất phân vân không biết lựa chọn nào tốt hơn. Suy cho cùng, mục đich của em là muốn làm “owner operator” thôi ạ. Một mình một xe, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Xin được cho lời khuyên.


Michael Bùi: Hi Remy,

Dứt khoát là không bao giờ lease xe từ bất cứ hãng nào. Đây là trò chỉ mang lợi cho hãng và tài xế thì thua thiệt đủ điều. Em mà ký lease xong, rồi ôm xe đó sẽ không đi đâu được,cho đến ngày em hết lease (mấy năm ???). Hàng cũng không lấy chỗ khác được, đi làm tiền mang về chẳng còn bao nhiêu đâu vì họ trừ tùm lum hết cho coi.Em không có sự lựa chọn gì hết. Tốt nhất nếu em muốn thành O/O thì nên mua xe bên ngoài, việc gì mà phải cần đến họ mới có xe.

Bây giờ anh nói tới chuyện lấy bằng:

Theo những hãng lớn như Prime, CR England, CRST, SWIFT, Steven, ROEHL, USA, Knight Transportation..v..v.. thì lấy bằng dễ hơn. Họ train cho mình rồi họ cho mình thi và do người của hãng chấm thi, khỏi cần ra DMV Thi như vậy thì dễ hơn là thi ngoài DMV của chính phủ. Nhưng theo đường này thì em phải ký giấy hứa khi có bằng phải chạy cho họ trong vòng 1 hay 2 năm gì đó tùy theo policy từng hãng.

Nếu sau khi có bằng mà em bỏ đi làm chỗ khác thì bị phạt bao nhiêu em phải hỏi cho kỹ. Hình như là vừa bị phạt và vừa phải trả tiền học. Còn nếu ở lại chạy cho họ với lương rất thấp thì sau 1-2 năm họ miễn cho tiền học phí hay vẫn phải trả nhưng họ sẽ bớt cho một mớ?? Em hỏi lại coi?

Dù sao đi nữa em đừng nghe họ dụ ký vào lease nhe. Cứ lo lấy bằng đi rồi qua training cho có kinh nghiệm ... xong rồi biến chấp nhận bị phạt.

Còn nếu em cảm thấy em học được bên ngoài và đủ khả năng để lấy test ở DMV thì càng tốt.

Nhớ nhe, NO LEASE! Just a company driver is OK... em thử hỏi Schneider coi họ sẽ trả em bao nhiêu tiền 1 mile vậy? Có bị trừ gì không và có phải hứa, em sẽ ký lease với họ về sau không?