Phạm Kim Long, 17/4/2020

Ngày xưa khoảng vài chục năm trước tôi thường có dịp chạy ra phi trường Los Angeles đón bà con và đưa những người thân đó về nhà rồi đưa đến những nơi mà họ cần đi. Hôm nay là ngày nhóm bà con họ hàng dân Phát Diệm chúng tôi từ Âu châu sang Mỹ và Á Châu cùng nhau theo dõi livestream buổi lễ theo nghi thức Công Giáo cho để tiễn đưa một niên trưởng trong đại gia đình chúng tôi là nhà giáo kiêm nhà báo Nguyễn Trọng vừa ra đi ở tuổi 92 tại Oklahoma City. Giáo sư kiêm ký giả Nguyễn Trọng là một khuôn mặt quen thuộc của các cựu học sinh trường Trần Lục thời xưa và của làng báo cũng như giới sinh hoạt chính trị tại Saigon trước năm 1975 nên tôi xin được chia sẻ bài viết này với các thân hữu xa gần.

Khoảng mùa hè năm 1985, tôi được phone của anh Trọng nói là anh sẽ đến Los Angeles vào ngày đó trong tuần và hỏi là Long có tiện đón anh và giúp đưa anh đi một vài nơi được không? Dĩ nhiên là tôi sốt sắng nhận lời vì vốn dĩ nhà của hai bác Thường là ông bà cụ thân sinh ra anh Trọng và nhà của bố mẹ tôi ngày xưa có cửa bếp đối diện nhau nên các anh chị bên hai bác Thường và chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên từ những ngày xưa còn ở VN và cả sau khi qua Mỹ.

Trên đường từ phi trường về nhà, ông Trọng cho biết ông qua California lần này là để phỏng vấn ông cựu đại sứ VNCH Ngô Đình Luyện sáng ngày hôm sau và ngày sau đó thì ông phải về lại Oklahoma ngay vì có việc khác phải làm. Tôi đã quá quen với schedule làm việc của ông anh nên không thắc mắc và chỉ vâng dạ cho xong việc. Vừa về đến nhà chưa đầy nửa tiếng thì đã có phone của ông tỷ phú Trần Đình Trường từ New York gọi đến hỏi thăm ông Trọng đã đến chưa và xin được phép nói chuyện? Là một cựu sĩ quan hàng hải thương thuyền VN ngày xưa tôi đã quen với cách ăn nói trịnh thượng của ông Trường vì ông làm chủ hơn phân nửa số tầu biển ở VN nên ông hét ra lửa thời đó. Thế nhưng lời lẽ trong phone của ông Trường lần đó rất lễ độ một cách đặc biệt có lẽ chỉ dành cho người trong gia đình của ông Nguyễn Trọng mà ông Trường quý mến cách riêng? Tôi đã gặp nhiều cái ngạc nhiên như vậy những lần có dịp đi công việc với anh Nguyễn Trọng này nên cũng thấy quen quen mà không cần phải thắc mắc nữa.

Sáng hôm sau tôi đưa anh Trọng đến gặp ông Ngô Đình Luyện tại nhà ông Cao Xuân Vỹ như đã hẹn trước. Vì là tài xế của ông Nguyễn Trọng và được ông Trọng giới thiệu với mọi người là “cậu em,” nên tôi được xếp ghế ngồi cạnh ghế của ông Trọng trong phòng khách với các vị thượng khách của cụ Vỹ là các ông Ngô Đình Luyện, ông Nguyễn Cao Kỳ, và ông Nguyễn Trọng trong khi nhiều chức sắc và cựu tướng lãnh VNCH ngồi tán dóc với nhau trong phòng ăn nhà cụ Vỹ. Mở đầu cuộc phỏng vấn, ông Luyện rào đón rằng “Kính thưa ông Nguyễn Trọng, chúng tôi qua Mỹ lần này là để cám ơn đồng bào đã hàng năm vẫn nhớ đến ngày giỗ của hai ông anh chúng tôi nên chuyến đi này chúng tôi không muốn có báo chí nào phỏng vấn cả, nhưng riêng ông Nguyễn Trọng là ân nhân đặc biệt của gia đình chúng tôi nên xin mời ông cứ phỏng vấn tự nhiên…” Trên đường lái xe về nhà, tôi quá tò mò muốn biết sự việc nên đánh liều hỏi ông Trọng “lúc trước khi phỏng vấn em nghe ông Luyện rào đón có vể rất trịnh trọng với anh mà gia đình họ là những người rất quan liêu phong kiến… chắc anh phải làm cái gì đó rất quan trọng cho gia đình họ để ông đại sứ phải rào đón nể nang như vậy?” Ông Trọng ôn tồn kể là những việc đó liên quan đến nhóm giáo dân cùng quê với tỷ phú Trần Đình Trường. Ông nói về đức cha Ngô Đình Thục đã hai lần vi phạm giáo điều quan trọng của giáo hội để phải bị treo chén, bị rút phép thông công và trục xuất khỏi giáo hội Công Giáo. Lần đầu thì giáo hội tìm cách chiêu hồi ngài trở về nhưng sau lần thứ nhì vi phạm luật thì giáo hội không còn cho cơ hội được chiêu hồi nữa. Tỷ phú Trường và nhóm giáo dân đồng hương của đức cha rất lo lắng vì ngài đã lớn tuổi không biết sẽ còn sống bao lâu nên họ lo cho phần linh hồn của đức cha. Được một người nào đó giới thiệu nên ông Trường liên lạc với ký giả Nguyễn Trọng và xin ông Trọng tìm cách giúp đỡ tình cảnh khó khăn của đức cha Thục.

Nhận lời với ông Trường, ký giả Nguyễn Trọng viết một loạt các bài báo Anh ngữ nói về hoàn cảnh khó khăn chung của những người gặp phải tình huống đổi đời trong cuộc sống khiến cho tâm lý họ trở nên bất thường và có những hành động hay quyết định mà trước đó họ không hề làm như vậy. Dẫn chứng với những hoàn cảnh thật sự ngoài xã hội, tác gỉa nhắc nhở là những nạn nhân của thời cuộc đó vẫn luôn được pháp luật khoan dung nâng đỡ vì họ đã trải qua những nghịch cảnh đặc biệt ngoài ý muốn của họ. Thế rồi ông Trọng nhắc đến hoàn cảnh đặc biệt của Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục là một người cả cuộc đời sinh trưởng trong một gia đình danh vọng được mọi người kính nể nhưng đến lúc gìa nua lại gặp cảnh oái oăm là chính ngài phải đi biệt xứ rồi hai ông em bị giết chết, một ông em khác bị xử tử, và cả một gia đình tan nát đến nỗi khi bà mẹ chết ngài cũng không được về đưa đám tang. Thế thì hoàn cảnh của vị giám mục già nua đó còn đáng thương gấp bao nhiêu lần những người trẻ tuổi hơn mà luật pháp các xã hội văn minh hiện nay đang nâng đỡ? Một thời gian sau khi viết những loạt bài báo này, ký gỉa Nguyễn Trọng được vị đại diện Tòa Thánh liên lạc và bắn tiếng là Đức Thánh Cha có được trình bày về hoàn cảnh khó khăn này và tòa thánh cũng đặc biệt chấp thuận cho đức cha Thục trở về với giáo hội nhưng đó phải là sự trở về tự nguyện của ngài chứ giáo hội sẽ không đứng ra vận động .

Với bản tin mới tràn đầy hy vọng đó, ông Nguyễn Trọng và nhóm giáo dân đồng hương của ông Trường vẫn còn phải thu xếp thế nào để chuyện đức cha Thục xin về hồi chánh với giáo hội có thể xảy ra vì phe nhóm đang nuôi đức cha Thục xem ngài như vị giáo chủ của nhóm họ nên họ kiểm soát rất nghiêm ngặt từng lá thư và từng cú phone liên lạc với đức cha. Là một phóng viên gìa dặn, ông Trọng đưa ra kế hoạnh nhờ một người cháu đức cha đang ở Denver lúc đó liên lạc với ngài mà nói là “con muốn mời bác qua với chúng con vài tuần…” Thế là chuyến đi thăm gia đình người cháu của đức cha được nhóm chống giáo hội chấp thuận không hề nghi ngờ gì cả. Khi máy bay chở đức cha Thục đáp xuống phi trường quốc tế JFK tại New York thì nhóm giáo dân gốc Việt của ông Trường đã mai phục sẵn để hành động. Đám đông họ ùa đến chào kính và hôn nhẫn bàn tay đức cha làm ngài cảm động vì suốt mấy chục năm lưu vong chưa bao giờ ngài được gần gũi với nhóm giáo dân đồng hương của ngài như vậy bao giờ. Thế là phe ta “bắt cóc” được đức cha Thục đưa ngài về sống với nhà dòng Đồng Công bên Missouri. Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục được Chúa gọi về ngày 13 tháng 12 năm 1984 tức là khoảng một năm sau khi ngài trở về với giáo hội. Vì vậy khi qua đời ngài được hưởng toàn vẹn danh phận và phẩm trật của một vị Tổng Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo.

Giáo sư kiêm ký gỉa Nguyễn Trọng là một người rất khiêm tốn nên nếu tôi không có cơ duyện để ngồi chứng kiến cuộc phỏng vấn với ông Đại Sứ Ngô Đình Luyện ngày hôm đó thì có lẽ không bao giờ tôi có cơ hội được nghe ông Luyện nói lời rào đón để có dịp thắc mắc với ông Nguyễn Trọng mà được nghe chính ông kể lại những chi tiết đáng nhớ đó. Những vị có mặt trong cuộc phỏng vấn ngày hôm đó như cụ Vỹ, ông đại sứ NĐL, ông cựu PTT Kỳ và bây giờ người cuối cùng là ông Nguyễn Trọng cũng đã ra đi. Hôm nay là ngày cả họ chúng tôi cùng đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Thomas Aquinos Nguyễn Trọng, tôi không có cơ duyên để được làm học trò của ông Nguyễn Trọng như một số quý vị cựu tướng lãnh và sĩ quan cao cấp trong quân đội VNCH hay một số quý vị cựu dân biểu và thượng nghị sĩ trong quốc hội VNCH nhưng tôi học được rất nhiều nơi cố giáo sư kiêm ký giả Nguyễn Trọng vì được quan sát ông trong thời gian tôi lớn lên nên xin được chia sẻ vài hàng về câu chuyện này để làm quà nhân ngày đại gia đình chúng tôi tiễn ông anh về nước Chúa.

Fountain Valley, ngày 17 tháng Tư 2020.