Tác giả: Hà Giang, 1/5/2020

Ngày xưa lâu lắm rồi, người em út trong một gia đình rất thân với tôi giận ông anh thứ ba vì một lỗi lầm vô tình nào đó mà người anh không biết.

Người em nghĩ rằng ông anh nợ mình một lời xin lỗi và mong muốn ở anh điều mà nhiều năm không xảy ra.

Buồn và giận em tránh đến những cuộc họp mặt gia đình để khỏi gặp anh. Hoặc nếu bắt buộc phải đến trong dịp lễ Tết quan trọng thì cũng không ngồi gần anh, khiến không khí gia đình những lúc ấy mất vui.

Thấy tình hình kéo dài, tôi nhịn không được, lôi hai người ra một góc hỏi là sao anh em có chuyện gì lạ thế. Người em giải thích lý do gì đó tôi cũng quên mất rồi nhưng đại khái là theo cậu em thì ông anh đã cư xử không phải với cậu, nhưng thái độ tỉnh bơ như không có gì của anh lại càng sai hơn. Ông anh nhìn em út cười, thế à, anh có nhớ anh làm gì đâu, thôi nếu em nói thế thì anh xin lỗi vậy. Cho anh xin lỗi nhé.

Cậu em bỗng nhiên cười tươi rói nói có thế thôi mà bao nhiêu năm nay anh không làm được. Hai anh em ôm nhau rồi vui vẻ như trước.

Chuyện buồn giận của cậu em nhỏ thôi nhưng thái độ coi như không có chuyện gì của anh làm cậu ngày càng buồn và làm hai người xa cách. Khoảng cách đó chỉ biến mất khi người anh nói với em anh nhận lỗi của mình, dù anh ta không nhớ tí gì đến việc đã (vô tình) làm cho em buồn cả.

Từ đó tôi học được sự màu nhiệm của việc nhận phần lỗi về mình, ngay cả khi không chắc là mình đã làm gì sai.

Việc nhà cầm quyền Hà Nội xem những sĩ quan và binh lính của miền Nam Việt Nam như kẻ thù, gọi họ là ngụy quân ngụy quyền, tước đi phẩm giá của họ, giam cầm, hành hạ, làm tiêu hủy sức khỏe, tuổi trẻ, năng lực, cuộc đời và tạo sự đau khổ cùng cực cho gia đình họ, không phải là một điều vô tình. Đó là những hành động đến từ một chính sách khắc nghiệt, tàn bạo và bất nhân.

Đã 45 năm, nhưng Hà Nội chưa một lần nào nhận phần lỗi của họ trong việc đối xử tàn ác với đồng bào mình. Họ chưa bao giờ xin lỗi những chiến sĩ miền Nam Việt Nam, mà tiếp tục sỉ nhục họ bằng những cái tên không thể chấp nhận được.

Đã 45 năm mà hàng năm Hà Nội vẫn tiếp tục ăn mừng cái ngày mà họ đã gây đại nạn xuống đầu bao nhiêu triệu người miền Nam, dù họ ở lại hay ra đi, vào tù hay đi kinh tế mới, còn sống hay đã chết.

Cha của chị bạn tôi, một Đại tá Bộ binh bị tù cải tạo 18 năm. Mẹ chị đổ bệnh sau vài năm buồn khổ và vất vả thăm nuôi chồng, người anh trai bỏ đại học đi đạp xích lô, người em trai chết trên đường vượt biên để tìm đường sống cho gia đình. Ngày cha chị được ra tù, ông đi không vững, vào được đến nhà thì nằm vật ra và chết một tuần sau đó.

Trong nửa năm học đầu của tôi tại đại học CSULB, tụi tôi đám sinh viên tị nạn xúm xít với nhau, một buổi tối hoảng hốt với tin một anh bạn treo cổ tự tử chết trong phòng vì vừa nhận được tin là nhà 4 người đi vượt biên chết cả bốn. Cha anh thì đã bị xử tử trong trại cải tạo trước đó.

30/4 năm nay người ta nhắc nhiều đến chữ reconciliation, hô hào mọi người phải quên đi quá khứ. Đã 45 năm rồi sao mà còn căm thù lâu thế. Phải thương nhau chứ người cùng chung một nước mà. Mọi người đua nhau lên tiếng.

Nhưng thấy rất ít người thúc giục Hà Nội phải đứng ra nhận cái sai của mình, hay bảo họ phải cúi đầu xin lỗi gia đình những nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của hành động tàn ác sau khi chiến tranh chấm dứt của họ.

Muốn làm được điều này, một chính quyền phải có được sự can đảm và lòng chân thành, cả hai điều mà cho tới nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy là họ có.

Không biết người khác thì sao chứ tôi thực sự không có can đảm khuyên những người quen này hãy quên quá khứ đi và hòa hợp hòa giải với một chính quyền đã giết cha mình hay đẩy người thân mình vào chỗ chết. Làm thế với tôi là một hành động rất vô tình với sự đau khổ của gia đình nạn nhân, nhất là khi phe gây ra thảm họa cho họ chưa bao giờ nhận lỗi.

Xin lỗi - một hành động rất nhỏ nhoi nhưng cho thấy sự trưởng thành và tinh thần trách nhiệm của một người hay một tổ chức.

Nhưng rõ ràng đó không phải là điều dễ làm.

Sorry seems to be the hardest word!

Tina Hà Giang

Link: https://www.facebook.com/tina.hagiang.bbc/posts/3391453927549411