Tạ Ngọc Lương, 8/7/2020

Cách đây ít hôm, tôi viết một bài chi tiết về lòng biết ơn, là căn bản của hạnh phúc. Mới đây, một câu chuyện rất đau lòng đã xảy ra, khá trùng hợp.

Không thấy má ra ngoài tụng kinh như thường lệ. Cô con gái đẩy cửa bước vào phòng. Cô thấy má nằm ôm gối mặt vào tường. "Má". Bà không trả lời. Linh tính. Cô bước tới lay vai má mình. "Má. Má sao vậy" Bà vẫn không trả lời. Cô xoay bà lại và òa khóc. Thân bà đã lạnh.

Gia đình tôi đến thăm thắp nhang cho bà mà cô khóc suốt, mặc dù bà cũng khá lớn tuổi. Các con bà ở khắp nơi kéo về lo tang sự cho bà.

Vì chúng tôi khá gần gũi, nên ông anh tâm sự. "Em tôi nó có hiếu lắm. Nó bỏ cả sự nghiệp ở tiểu bang khác, cùng chồng con về ở chung, nuôi ba bị liệt thân. Má lớn tuổi rồi nên không còn sức khỏe chăm sóc ông nữa. Tiếc là suốt bốn năm ở chung với má, khắc tính nên hai mẹ con không nói chuyện với nhau. Hồi xưa ba má tôi thương nó nhất nên cái gì cũng lo cho nó. Má thì sau này kỹ tính, nên khi nó lập gia đình dọn về ở, mỗi người một tính. Thêm nữa, chúng tôi tưởng ba sẽ đi sớm, nên dốc sức lo cho ba mà không để ý đến má. Ai dè. Má đi trước ba. Thế nên nó cứ khóc suốt vì cảm thấy hối hận"

Tôi an ủi các con bà. Cũng may khi sinh thời tôi và Lan cũng hay hỏi thăm bà, và mới đây tặng bà ít cam. Trong thâm tâm, tôi đã đoán được chuyện gì đã xảy ra và lòng thấy buồn làm sao. Chuyện này tránh được nếu bà biết cách dạy con lòng biết ơn và vị tha từ bé. Vì khi có lòng biết ơn sâu đậm, người ta có cái nhìn sâu hơn về hành xử người khác. Và cũng tự cởi trói cho mình được. Rất tiếc, không riêng gì bà. Nhiều người trong chúng ta cũng chưa quan tâm và hiểu ra những chìa khóa của hạnh phúc, có thể dạy được, làm hành trang cho các cháu suốt đời.

Bà đảm đang nuôi con cho chồng đi làm thương mãi. Tất bật lo mọi thứ trong nhà. Để ông chăm chú kinh tế bên ngoài. Các con bà đều có khả năng làm ăn, giống cha. Họ thương yêu anh chị em và có hiếu. Rất tiếc, ông bà không biết để giúp cho các con một tâm hồn biết ơn, vị tha, và giúp cho các con tập làm cho cái tôi nhỏ lại.

Khi con bà phải về sống chung thì lối sống độc lập có gia đình của họ đã khác bà. Nhất là cô gái khi còn bé mẹ lo cho hết, nên không học được tính của mẹ. Ngày xưa, ước gì bà tập cho con những chuyện đơn giản như rửa chén lau khô úp, cất, thì con sẽ quen tính của bà hơn.

Nhà của bà nhưng con bà không theo được lối sống của bà, và bản thân bà cũng không thay đổi được. Làm cho cả hai bên bị đẩy vào một tình thế càng ngày càng khó khăn.

Cả hai bên không sai - chỉ khác triết lý sống của nhau và không nhìn xa hơn được nỗi khổ của chính mình, để hiểu nỗi khổ của người khác. Tôi được biết bà mỗi ngày rất khổ tâm và cho rằng con mình rất tệ. Ngược lại, con lại nghĩ má mình quá đáng. 4 năm trời chung nhà nhưng mẹ con không chung một bàn ăn. Không có đường ra.

Đời có nhiều bi kịch mà những nhân vật chính không đủ sức để vượt qua chính mình. Để rồi, chính họ là nạn nhân, tự bị cầm tù trong hoàn cảnh của mình. Sau đó, ân hận thì đã trễ.

Khi chúng tôi xin phép ra về, cô con gái vẫn còn khóc, ân hận ngập tràn. Con trai rấm rức:"Ước gì má sống lại. Các con sẽ có cơ hội nói chuyện quan tâm đến má. Nhưng chỉ là điều ước. Cả nhà cứ lo cho ba, mà không để ý đến má". Tôi chợt nghĩ, nếu thay vì má, mà là cô con gái. Thì chắc bà má cũng ân hận không kém. Cô cũng là nạn nhân của bi kịch, không đủ hành trang để vượt qua.

Nhìn vào đời người, chuyện đụng chạm hàng ngày thực ra rất nhỏ so với tình người. Nhất là tình gia đình. Như mẹ tôi hay dạy, chín bỏ làm mười. Nhưng để giải tỏa được thì cha mẹ phải dạy con những căn bản hạnh phúc như lòng biết ơn và vị tha. Để sau này còn có cửa lòng nói chuyện.

Sau này, chính những yếu tố hạnh phúc mình dạy con sẽ giúp cho con và cho mình. Riêng cho những ai còn giận chuyện gì trong gia đình. Nên tự hỏi, khi người đó qua đời, mình có ân hận không? Bạn chiến thắng khi bạn bỏ được cái tôi của chính mình.

https://www.facebook.com/photo?fbid=10223276443239267&